Tiêu điểm: Nhân Humanity

Triển vọng lớn trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Châu Âu

VOH - Châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu có tiềm năng lớn để phát triển và tăng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ngày 7/3, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Imado Việt Nam tổ chức hội thảo tư vấn thông tin xuất nhập khẩu thị trường Anh quốc và thị trường Châu Âu.

Hội thảo nhằm tư vấn cung cấp thông tin xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm mới nhất cho doanh nghiệp đang xuất khẩu và quan tâm đến xuất khẩu của ngành nông nghiệp vào thị trường châu Âu, đồng thời đề nhận diện FTA thế hệ mới, các lợi thế ưu đãi, thuế quan và lộ trình giảm thuế quan trong các FTA, điều kiện xuất xứ hàng hóa, hưởng ưu đãi thuế quan và các hàng rào thuế quan, giới thiệu và chỉ dẫn tra cứu trực tuyến. Những biện pháp trong công tác chuẩn bị, phòng ngừa rủi ro để tạo thành công trong việc xuất nhập khẩu vào thị trường Châu Âu. Các kinh nghiệm, xúc tiến vào thị trường thương mại Châu Âu.

Triển vọng lớn trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Châu Âu 1
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Bộ Công Thương) cho biết: "Châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao”.

Trong giai đoạn 2019 – 2023 xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Châu Âu có xu hướng tăng trưởng ổn định, bất chấp những khó khăn, thách thức tại khu vực và tăng bình quân 8,8%/năm. Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang châu Âu chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước như Cà phê, hạt điều, hạt tiêu. Châu Âu cũng có xu hướng tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam và đây sẽ tiếp tục là mặt hàng tiềm năng.

Giai đoạn này, xuất khẩu thực phẩm và đồ uống tại thị trường này cũng tăng trưởng tốt, tăng từ 10,3 tỷ USD năm 2019 lên 14,2 tỷ USD năm 2023.

Năm 2024, Bộ Công Thương xác định, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu có tiềm năng lớn để phát triển. Hiện châu Âu là một trong những thị trường lớn và tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 740 triệu người và GDP đạt trên 18.000 tỷ USD.

Các quốc gia trong khu vực châu Âu cũng có nhu cầu cao về các mặt hàng như đồ gia dụng, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Đây là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, dù Châu Âu là thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải luôn thay đổi và thích ứng.

Triển vọng lớn trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Châu Âu 2
Ông Mã Thanh Danh - Phó Tổng giám đốc Kido Group, Chủ tịch Công ty Cổ phần tư vấn quốc tế CIB chia sẻ

Chia sẻ với tọa đàm về kinh nghiệm khai thác thị trường châu Âu, ông Mã Thanh Danh - Phó Tổng giám đốc Kido Group, Chủ tịch Công ty Cổ phần tư vấn quốc tế CIB cho biết: “Xuất khẩu đi Châu Âu, DN Việt phải xây dựng được BBC, phải đảm bảo thương hiệu công ty tốt, năng lực sản xuất và có sản phẩm đặc thù phù hợp cho thị trường. Đầu tiên là Borrow, mình phải mượn lực, tức là liên doanh với đối tác để cấp máy, thiết bị cho mình.

Borrow là mình xuất khẩu tại chỗ cho siêu thị của thị trường của Châu Âu, để có tên tuổi, có mã số toàn cầu, làm bệ đỡ cho mình. Phải nghiên cứu thị trường và tìm hiểu văn hóa tiêu dùng, hàng rào kỹ thuật. Vào được thị trường EU khó tính thì sẽ vào được các thị trường khác, phải đạt chuẩn ESG, phát triển bền vững, không tác hại đến môi trường, không gây ô nhiễm và tuân thủ với người lao động cũng như cam kết Netzero bằng 0. Phải xuất hiện thương hiệu của mình thông qua đối tác, nếu sản phẩm mình yếu đối tác có thể cùng Build một kênh phân phối, cùng nhau đầu tư qua lại.và cuối cùng là Co build, cùng nhau mua bán qua lại, cùng nhau phát triển và xây dựng thương hiệu chung để xuất khẩu ra quốc tế.”

Các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm phải nắm vững thông tin, nhu cầu thị trường và tìm hiểu thông qua các Đại sứ quán hay Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Khi đi xuất khẩu, đầu tiên phải tìm đến đại sứ quán bởi không ai khác mà chính đại sứ quán - những người trực tiếp ở thị trường đó sẽ tư vấn cho doanh nghiệp về nhu cầu thị trường, mùa nào xuất hàng nào, quy định quy chuẩn như thế nào, mua sản phẩm nào để được ưu đãi nhất.

Triển vọng lớn trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Châu Âu 3
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường châu Âu

Người tiêu dùng châu Âu chủ yếu dùng cà phê Arabica, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu lớn cà phê Robusta. Năm 2023 Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Chúng ta xuất khẩu cà phê sang Đức, và người tiêu dùng chủ yếu là người châu Á. Vì thế doanh nghiệp nên tận dụng mạng lưới Việt kiều tại Châu Âu để xuất khẩu và lan tỏa các sản phẩm của mình."

Doanh nghiệp có thể xuất khẩu tại chỗ thông qua các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam. “Nếu xuất hàng vào Hàn Quốc thì chào hàng vào Emart, còn Nhật Bản thì chào hàng vào Aeon… bởi khi sản phẩm đã vào được siêu thị thì việc chào sản phẩm với khách hàng tại nước đó sẽ thuận lợi hơn"- ông Danh chia sẻ thêm.

Triển vọng lớn trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Châu Âu 4
Ông Quân Phạm – Giám đốc điều hành và sáng lập Wisematch

Tại hội thảo ông Quân Phạm – Giám đốc điều hành và sáng lập Wisematch đã chia sẻ về câu chuyện xuất nhập khẩu ra thế giới, khởi nghiệp và kết nối: “Các DN dù trong tình huống nào cũng phải có “Niềm tin” và niềm tin đó sẽ là vũ khí lớn nhất để giúp cho doanh nghiệp đương đầu với thử thách. Để thành công DN cần phải có “Tham Vọng” để phát triển và chấp nhận “Thất vọng” để hoàn thiện và trưởng thành, từ đó mới có cơ hội để giúp cho doanh nghiệp “Cất cánh”, mang sản phẩm Việt ra thế giới. DN  phải có một định hướng đúng đắn và con đường đúng đắn. Từ câu chuyện về khởi nghiệp và những trải nghiệm thực tế khi tham gia hội chợ triển lãm quốc tế để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, Wisematch đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp công nghệ giúp khách hàng tìm hiểu thị trường từ đó dễ dàng tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và mang lại hiệu quả, giá trị cao.”

Triển vọng lớn trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Châu Âu 5
ThS, luật sư Vũ Xuân Hưng - Trưởng phòng Pháp chế Trọng tài Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh

Đề cập đến vấn đề pháp lý và thuế quan khi doanh nghiệp đưa sản phẩm vào thị trường Châu Âu, ThS, luật sư Vũ Xuân Hưng - Trưởng phòng Pháp chế Trọng tài Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Nhận diện thương mại tự do thế hệ mới, tìm hiểu hiệp định tự do thương mại, rào cản phi thuế quan, lộ trình giảm thuế quan, lộ trình giảm thuế xuất khẩu, các vấn đề về bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, lao động."

Khu vực châu Âu có thị trường Anh và khối Liên minh châu Âu (EU) đã có các hiệp định thương mại thế hệ mới với Việt Nam. Theo lộ trình giảm thuế, hàng nông sản, thực nước ta đang có nhiều ưu đãi và thuận lợi hơn so với các nước trong khu vực. Dù vậy, với khối thị trường này, quan trọng nhất không phải là thuế quan mà là các hàng rào phi thuế quan. Do đó, doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu vào thị trường này phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc.

Bình luận