Chờ...

Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn Covid-19 lần 4

(VOH) - Nhóm nghiên cứu do trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TPHCM vừa chính thức công bố kết quả nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn Covid-19 lần 4”.

Trong đó, nghiên cứu đề cập đến các chính sách phục hồi kinh tế tại TPHCM khi kết thúc giãn cách.

Nghiên cứu này dựa trên hai giả định: Thứ nhất: TPHCM và các tỉnh giáp ranh cơ bản kiểm soát được Covid-19 lần 4 trong tháng 9/2021 để có thể quay trở lại hoạt động ở điều kiện “bình thường mới” trong tháng 10. Thứ hai: vaccine sẽ tiếp tục được triển khai trên diện rộng để đến đầu quý 4/2021 đạt độ bao phủ 70% - 80% người dân cư ngụ tại TPHCM và các tỉnh giáp ranh được tiêm đủ 02 mũi. Đến tháng 12/2021, cơ bản 70%-80% người dân Việt Nam được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi.

Nghiên cứu nhận định rằng, kinh tế TPHCM đã chịu tổn thất nghiêm trọng trong thời gian giãn cách bao gồm tổn thất lớn của cá nhân, hộ gia đình; lao động, việc làm suy giảm mạnh; doanh nghiệp kiệt quệ tài chính. Nhóm nghiên cứu đưa ra ba kịch bản ước tính tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách năm 2021 của TPHCM, ước tính cho thấy khả năng tăng trưởng suy giảm và cân đối ngân sách sẽ vô cùng căng thẳng.

Xoay quanh những nghiên cứu đưa ra trên đây, chúng tôi có cuộc trao đổi cụ thể cùng PGS-TS Trần Hùng Sơn - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - Đại học quốc gia TPHCM - thành viên nhóm nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn Covid-19 lần 4”.

kien-tao-dong-luc-phuc-hoi-kinh-te-tp-hcm-giai-doan-covid-19-lan-4-voh.com.vn-anh1
PGS-TS Trần Hùng Sơn.

*VOH: Phục hồi kinh tế là vấn đề quan trọng cấp thiết nhưng cũng đầy thách thức. Trước hết, xin ông cho biết, đâu là những nguyên tắc cơ bản để tái khởi động nền kinh tế mà các quốc gia trên thế giới đã áp dụng?

- PGS-TS Trần Hùng Sơn: Trước hết, cần hiểu rõ việc tái khởi động nền kinh tế không có nghĩa là mở cửa đồng loạt, ngay lập tức toàn bộ nền kinh tế mà phải theo lộ trình chặt chẽ, từng bước, theo từng giai đoạn để cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu kinh tế. Theo kinh nghiệm của các nước, việc tái khởi động nền kinh tế thường được xác lập dựa vào: Các đặc điểm, tầm quan trọng của ngành, lĩnh vực và mức độ đáp ứng các điều kiện về dịch tễ, tỷ lệ bao phủ vắc xin theo mục tiêu, năng lực quản lý và ngăn ngừa ca nhiễm mới, năng lực điều trị. Nhìn chung có 4 giai đoạn cho việc mở cửa lại nền kinh tế được xác định dựa trên mức độ lây nhiễm, mức độ sẵn sàng hệ thống y tế cộng đồng thấp hay cao. Ở mỗi giai đoạn sẽ cần có các biện pháp, chính sách tương ứng. Lưu ý, là các ngành thiết yếu được hoạt động kể cả trong điều kiện giãn cách nghiêm ngặt nhất. Các giai đoạn sẽ không ở trạng thái tĩnh, nghĩa là nếu mở cửa nền kinh tế làm tăng tỷ lệ lây nhiễm thì một số khu vực có thể cần quay trở lại giãn cách để làm giảm lây nhiễm cũng như quá tải cho hệ thống y tế.

*VOH: Dựa trên những nguyên tắc đó thì TPHCM hiện giờ có thể đủ yếu tố có thể mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội và phục hồi kinh tế?

- PGS-TS Trần Hùng Sơn: Nhìn chung, các nguyên tắc chung cho vấn đề đi đến điều kiện bình thường mới không khác gì thế giới, tức là chúng ta kiểm soát được mức độ lây nhiễm. Chẳng hạn trong nghiên cứu của chúng tôi có đưa ra nhận định tỷ lệ vaccine sẽ đạt được độ bao phủ đến đầu quý 4/2021 là 70%-80% người dân cư ngụ tại TPHCM và các tỉnh giáp ranh được tiêm đủ 2 mũi. Đến tháng 12/2021, cơ bản 70%-80% người dân Việt Nam được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi. Năng lực của hệ thống y tế được tăng lên, không bị quá tải như hiện nay. Có điểm chúng ta lưu ý khi mở cửa nền kinh tế thì những ngành trọng yếu, lĩnh vực thiết yếu phải được phép mở cửa trước, nếu đủ điều kiện. Ví dụ, shipper nếu tiêm đủ vắc xin và tuân thủ 5K sẽ được giao hàng liên quận hay nhà máy trong khu công nghiệp là đối tượng cần được ưu tiên trước. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra bộ tiêu chí đơn giản nhưng đầy đủ để làm cơ sở lượng hóa được đối tượng nào được tái khởi động trong điều kiện bình thường mới. Mục tiêu của việc mở cửa không chỉ dừng trong phạm vi TPHCM mà cần hướng đến kết nối liên vùng, khu vực và cả nước. Yếu tố liên kết vùng rất quan trọng trong chính sách chống dịch, lộ trình mở cửa.

*VOH: Với kết quả nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn Covid-19 lần thứ 4” do nhóm các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM vừa được công bố, ông có thể cho biết nhiều hơn về mức độ tổn thất của TPHCM bởi dịch bệnh và dự báo khả năng phục hồi kinh tế của TPHCM như thế nào?

- PGS-TS Trần Hùng Sơn: Chúng tôi dựa trên số liệu thống kê thu thập được trong 8 tháng đầu năm 2021 để đánh giá tổn thất kinh tế của TPHCM trong giai đoạn giãn cách và nhận thấy thiệt hại nghiêm trọng diễn ra cả ở khu vực cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp. Cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp của TPHCM và khu vực phía Nam rất có thể sẽ tăng mạnh. Năng lực tài chính của doanh nghiệp sẽ suy kiệt nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước. Đặc biệt, dự báo tăng trưởng kinh tế suy giảm, cân đối ngân sách năm 2021 rất căng thẳng và chúng tôi cho rằng Nhà nước sẽ phải giữ vai trò then chốt trong việc kiến tạo động lực để phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

*VOH: Với nghiên cứu này, chúng ta có thống kê được mức độ tổn thương của một số ngành trọng yếu của thành phố bởi dịch bệnh?

- PGS-TS Trần Hùng Sơn: Về mức độ ảnh hưởng đến kinh tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung với một số dữ liệu sau: Thứ nhất đã xảy ra mức độ tổn thương nghiêm trọng ở ngành công nghiệp thương mại dịch vụ trong tháng 7 tại TPHCM, đây là ngành chiếm 87% GDP của TPHCM. Trong tháng 8/2021, việc suy giảm của 2 ngành này lại tiếp tục, chẳng hạn doanh số đối với thương mại dịch vụ còn khoảng 35.500 tỷ đồng, cùng với đó là hoạt động xuất khẩu suy giảm như doanh số xuất khẩu giảm 24,2% sau 2 tuần đầu tháng 8. Cùng với đó, sự thiếu hụt của nguyên vật liệu, tăng giá chi phí sản xuất, ví dụ việc yêu cầu tuân thủ 5K dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị tăng lên, rồi doanh nghiệp ngưng hoạt động hay hoạt động công suất thấp, đặc biệt nhu cầu thị trường nội địa phục hồi rất chậm.

*VOH: Từ những phân tích trên đây, hành trình kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn 4 Covid-19 mà nhóm đưa ra sẽ hướng đến những giải pháp, đề xuất cụ thể gì cho TPHCM?

- PGS-TS Trần Hùng Sơn: Với TPHCM, chúng tôi nhận thấy một trong những điều kiện quan trọng giúp phục hồi kinh tế thành phố, phục hồi hoạt động doanh nghiệp đó là chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc/nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TPHCM sau khi đã về quê trong giai đoạn giãn cách. Việc tái tạo việc làm rất quan trọng, nếu không tái tạo việc phục hồi sau khủng hoảng rất khó khăn. Ngoài ra, cần mở rộng chính sách như hỗ trợ là 25% lương tối thiểu vùng (tương đương tỷ lệ trích BHXH, BHYT) áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022 chia làm 2 giai đoạn: đến 12/2021 và quý 1/2022. Quy mô của gói hỗ trợ này khoảng 4.000 tỷ đồng. Khuyến nghị TPHCM mở rộng chương trình hỗ trợ lãi suất hiện nay để áp dụng cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp truyền thống, logistics và chương trình kích thích phát triển kinh tế số với tổng quy mô khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Thành phố cũng cần tính đến hỗ trợ quỹ đất, xã hội hóa chi phí đền bù giải tỏa, xây dựng để hình thành các căn hộ dành cho công nhân ở các KCX - KCN, khu công nghệ cao nhằm cải thiện điều kiện sống của công nhân, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh, thu thút lao động ngoại tỉnh nhất là lao động có tay nghề sớm quay lại TPHCM. Ngoài ra, TPHCM sớm nâng cấp hạ tầng chợ đầu mối để gia tăng tỷ trọng giao dịch trực tuyến theo mô hình sàn giao dịch hàng hoá trực tuyến.

*VOH: Bất kì chính sách nào khi thực thi rất cần đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, vậy chúng ta cần vận dụng chính sách phục hồi kinh tế lần này ra sao để đạt hiệu quả như mong muốn?

- PGS-TS Trần Hùng Sơn: Theo nhóm nghiên cứu, cần đặc biệt lưu ý đến vai trò điều phối chính sách phục hồi kinh tế phải gắn đồng bộ với các chính sách khác như an sinh xã hội, y tế, phòng chống dịch, tiêm vaccine, lao động - việc làm, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo,... để đạt được sự thống nhất xuyên suốt, cả trong nhận thức và thực thi từ chính quyền cấp phường-xã, quận-huyện cho đến cấp thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tôi muốn nhấn mạnh kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, kiến tạo các động lực phục hồi kinh tế cần cả sự phối hợp theo chiều ngang (giữa các bộ/ngành) và sự phối hợp theo chiều dọc (giữa các cấp chính quyền) mới có thể đảm bảo sự cân bằng để đem lại hiệu quả và việc điều phối chính sách này còn quan trọng hơn cả chính sách hỗ trợ mang tính khẩn cấp.

*VOH: Sau cùng, ông có kỳ vọng gì về kết quả nghiên cứu lần này của nhóm các nhà khoa học vừa thực hiện?

- PGS-TS Trần Hùng Sơn: Nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn Covid-19 lần thứ 4” là nghiên cứu thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của UEL với tư cách là trường thành viên của ĐHQG-HCM trong việc đóng góp những đề xuất hữu ích đối với cộng đồng, doanh nghiệp, tư vấn và phản biện các chính sách vĩ mô của nhà nước cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, dựa trên các bằng chứng khoa học của nghiên cứu này, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương có thêm cơ sở để đưa ra các chính sách giúp phục hồi kinh tế của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.

*VOH: Cảm ơn ông

Cũng trong kết quả nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn Covid-19 lần 4", nhóm nghiên cứu đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù cho TPHCM để kiến tạo động lực cho thành phố nhằm giúp quá trình hồi phục kinh tế diễn ra nhanh nhất có thể, tạo tác động lan tỏa kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Cụ thể, nhóm đề xuất giải pháp phát hành trái phiếu Chính phủ và chuyển giao nguồn vốn này cho thành phố sử dụng với trách nhiệm trả lãi vay.

Ngoài ra, từ năm ngân sách 2022, kiến nghị trung ương cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố từ 18% lên 23% và nâng trần nợ công của thành phố để có thể phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, giúp thành phố có đủ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ mang tính tức thời cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị tổn thương nặng trong giai đoạn giãn cách. Quy mô gói hỗ trợ của thành phố khoảng 22.300 tỷ đồng, tương đương 1,7% GRDP của thành phố và để chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tức thời, cần đặt mục tiêu ưu tiên tốc độ hỗ trợ.