Thông tư số 14: Khách hàng vùng phong tỏa được tạm hoãn trả nợ

(VOH) - Khách hàng vùng phong tỏa không lo bị rơi vào nhóm nợ xấu theo Thông tư số 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 01 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Khách hàng vùng phong tỏa không lo bị rơi vào nhóm nợ xấu, vì Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng được cơ cấu nợ cho cả dư nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và nợ quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 7/9/2021.

Đây là điểm mới trong Thông tư số 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 01 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.

khach-hang-vung-phong-toa-se-khong-bi-roi-vao-nhom-no-xau-voh.com.vn-anh1
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng tại TPHCM. (Ảnh minh họa: SGGP)

Theo các ngân hàng, việc bổ sung quy định này là rất cần thiết, để từ đó các ngân hàng có căn cứ để cơ cấu nợ cho các khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh với phạm vi và đối tượng rộng hơn, thay vì giới hạn các khoản nợ phát sinh đến trước 10/6 như trước.

Bên cạnh đó, các khách hàng có khả năng trả nợ nhưng lại không thể đến ngân hàng trả nợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được tạm hoãn trả nợ đến 07/9.

Trước đó, theo quy định tại thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, điều kiện để được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ là khách hàng phải có đề nghị và được ngân hàng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp khách hàng rơi vào trường hợp này nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu do đang bị cách ly, không được ra khỏi địa phương, có khách hàng nhiễm COVID-19 và đang điều trị bệnh ở bệnh viện. Do vậy, thông tư mới ban hành đã tháo gỡ những khúc mắc trên.

Ngoài ra, thông tư này cũng cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/6/2022, tức thêm 6 tháng so với thông tư 03.

Cùng với cơ cấu nợ, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép tổ chức tín dụng miễn giảm phí cho khách hàng đến 30/6/2022.

Đề xuất áp mức giá tối thiểu giá sàn bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải áp mức giá tối thiểu - giá sàn bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa hiện tại từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.

Theo mức giá sàn đề xuất, các đường bay nhóm 4 như Hà Nội đi TPHCM, Đà Lạt, Cam Ranh,…; TP.HCM đi Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng,… giá tối thiểu 640.000 đồng/vé 1 chiều.

Đường bay nhóm 5 như Hà Nội đi Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo giá tối thiểu 750.000 đồng/1 chiều chưa gồm thuế phí.Đồng thời, sẽ không còn giá vé 0 đồng.

Cục Hàng không cho biết, hiện khung giá vé giá vé máy bay chỉ quy định giá tối đa giá trần, không có giá sàn. Từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng không bị đứt dòng tiền thanh toán, đe dọa sự tồn tại của các hãng. Điều này dẫn đến các hãng liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế nhằm tạo dòng tiền.