Kinh tế TPHCM và cả nước năm 2020: Sức bật từ nội lực

(VOH) - Trong bối cảnh GDP các nước giảm mạnh do dịch Covid-19, Việt Nam cũng bị tác động nặng nề. Các chỉ tiêu kinh tế giảm mạnh so với các năm trước nhưng TPHCM vẫn giữ được tăng trưởng dương.

Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố năm 2020 vẫn tăng 1,39% so với năm trước. Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng hơn 2%, riêng thương mại dịch vụ tăng 2,17%.

Nền kinh tế TP.HCM có điểm sáng khi thực hiện đạt 16/20 chỉ tiêu công trình trọng điểm. Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế của cả nước thì Việt Nam tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

Việt Nam nhờ khả năng chống chịu tốt của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại, không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi, khôi phục các hoạt động kinh tế.

Năm 2020, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết 111 về sắp xếp đơn vị hành chính huyện xã và thành lập Thành phố Thủ Đức. Để thực hiện những mục tiêu trên, TP.HCM đã tập trung triển khai kế hoạch tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố để đảm bảo đúng tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã và thành lập Thành phố Thủ Đức.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, có 3 động lực mới để tiếp thêm sức mạnh cho TP.HCM. Động lực đầu tiên là việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, là thành phố thông minh, đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, đô thị loại 1. Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm nội địa - GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7-8% GDP của cả nước.

Phân tích điều này, ông Châu cho hay, ở TPHCM, 1 hecta đất nông nghiệp chỉ làm ra 500 triệu đồng/năm nhưng khi chuyển đổi thì 1 hecta đất nông nghiệp này sẽ làm ra 55 tỷ đồng, tức là hơn 100 lần.

Điển hình như việc thành lập quận 7 tách ra từ huyện Nhà Bè trước đây, năm 1997, quận 7 chỉ thu ngân sách 59 tỷ đồng, đến năm 2017, quận 7 thu ngân sách được hơn 7.000 tỷ đồng là nhờ chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu khẳng định: “Việc thành lập thành phố Thủ Đức, là nguồn động lực hàng đầu, tạo gia tốc mới thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. Động lực thứ hai chính là lộ trình chuyển đổi các huyện ngoại thành trở thành các quận trong thời gian tới. Với tầm nhìn của hiệp hội thì chúng tôi cho rằng, cả 5 huyện gồm huyện Cần Giờ cũng đủ điều kiện trở thành quận trong 10 năm tới. Động lực thứ ba của TPHCM là Chính phủ đã ra nghị quyết chấp thuận cho thành phố chuyển đổi 26.000 hecta đất nông nghiệp trở thành đất công nghiệp".

TP.HCM đã đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa: PN

Trong năm qua, TPHCM đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ngăn đà phá sản, duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội dưới tác động của dịch bệnh; kịp thời hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, đảm bảo 100% kế hoạch đã đề ra với số tiền hơn 600 tỷ đồng; Xử lý gia hạn hơn 800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp. Hơn 200 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh.

TP.HCM đã đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ, không để tăng trưởng âm, trong đó, khu vực dịch vụ công nghiệp đều tăng trưởng dương. Xuất khẩu đạt hơn 44 tỷ đô la Mỹ, thu hút đầu tư từ nước ngoài đạt hơn 4 tỷ đô la Mỹ. Có 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, TP.HCM có hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so với cùng kỳ. TPHCM đã chủ động triển khai xây dựng chuỗi liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với các tỉnh thành trong cả nước để kích cầu thị trường du lịch nội địa phát triển trong bối cảnh các chuyến bay thương mại bị hạn chế và thị trường du lịch quốc tế bị đóng băng bởi đại dịch. Kết quả khá tích cực khi lượng du khách đến TP.HCM đã tăng trưởng trở lại, doanh thu du lịch đạt hơn 84.000 tỷ đồng.

Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá: “Thành phố thành công đầu tiên phải nói là chống dịch thành công, đó là điểm son. Thứ hai, cơ bản duy trì mà không để gãy đổ nhiều trừ lĩnh vực khách sạn, kinh doanh du lịch. Một thành phố hàng chục triệu dân tkhông để gãy đổ, đó là điểm son. Thứ ba là thành phố nỗ lực chuẩn bị để cải cách cơ bản nền hành chính địa phương thông qua mô hình chính quyền đô thị.

Vấn đề còn lại là nhận thức. Những yếu tố tác động cơ cấu kinh tế, chủ trương chuyển dịch cơ cấu rất lâu rồi nhưng tiến triển chậm. Thời cơ tiếp theo là làm sao chuyển một thành phố từ nơi lập nghiệp của người dân cả nước thành nơi khởi nghiệp của cả khu vực kinh tế ASEAN. Nếu được như vậy thì TPHCM sẽ cất cánh mạnh hơn trong tương lai”.

Về thu ngân sách, ước thu năm 2020 là 352.000 tỷ đồng, đạt hơn 87% so với dự toán. Tính chung giai đoạn 2016-2020, thì tỉ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ hơn 62% lên hơn 67%. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế vẫn tiếp tục có hiệu quả. Sức mạnh nội tại của kinh tế thành phố ngày càng tăng…

Năm 2021, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho hay, Thành phố sẽ triển khai có hiệu quả chủ đề năm 2021 “xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư”.

"Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, các lĩnh vực. Đảm bảo tiến độ thực hiện 51 nội dung, chương trình Đề án thuộc 3 chương trình đột phá của thành phố về đổi mới phát triển, hạ tầng, phát triển nhân lực và văn hóa, một chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố”, ông Phong cho biết

Nhìn tổng thể nền kinh tế cả nước, với quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, cả nước ta cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ đô la Mỹ GDP trong gần 5 năm qua, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ đô la Mỹ, đứng trong tóp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống người dân ngày càng tăng lên.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Nhìn rộng hơn, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương, phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội.

Như câu ngạn ngữ “thành công không chỉ đo được bằng những gì đạt được mà còn với những trở ngại đã vượt qua". Với những thành quả đó, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai của đất nước, cơ đồ dân tộc không ngừng được củng cố và vun đắp. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp bản sắc dân tộc trỗi dậy, đó chính là sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Mới đây, S&P Global dự báo kinh tế Việt Nam tăng 10,9% trong 2021, mạnh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau khi tăng gần 3% trong 2020. Việt Nam được dự báo sẽ là nền kinh tế dẫn đầu về tăng trưởng tại khu vực trong năm 2021 với chỉ số tăng trưởng được tính toán đạt 108,4 điểm.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19. Mặt khác, việc thực thi các FTA cùng với sự nhạy bén nắm bắt thời cơ của các doanh nghiệp cũng là bệ đỡ quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021.

Bình luận