Kinh tế tư nhân: động lực quan trọng của nền kinh tế

(VOH) - Khu vực kinh tế tư nhân là 1 động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời đưa ra những khái niệm mới, mang tính tiên phong về tinh thần doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại hiện nay.

Khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là 1 động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời đưa ra những khái niệm mới, mang tính tiên phong về tinh thần doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại hiện nay, đó là nội dung chính được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.

Tham dự Diễn đàn quan trọng này có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ ngành địa phương; đại diện từ các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, chuyên gia từ các tổ chức kinh tế lớn của thế giới, các chuyên gia, nhà khoa học và gần 2.500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân cùng hơn 100 cơ quan truyền thông trên khắp cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó mỗi thành phần đều có vai trò quan trọng, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Và sự tham gia của đông đảo các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông tại diễn đàn hôm nay đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với nhiệm vụ phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Trong suốt 30 năm đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây, Việt Nam luôn chứng kiến sự tăng trưởng nhanh về GDP, cũng như có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cùng số vốn đăng ký lập kỷ lục trong 4 năm liên tiếp.

“Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng trên 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước thu hút khoảng 65% lực lượng lao động cả nước. Nhiều DN tư nhân đã khẳng định giá trị thương hiệu của mình trên thị trường và được người dân trong nước tin tưởng”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh những thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Thủ tướng nói về chủ trương phát triển khu vực tư nhân. Ảnh Vnexpress

Đặc biệt sau khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thông qua với việc xác định kinh tế tư nhân là 1 động lực quan trọng của nền kinh tế, thì khu vực kinh tế này đang ngày càng thể hiện được sự lớn mạnh, với khát vọng vươn lên ngày càng mãnh liệt. Tuy nhiên, khi nhìn ra các nước, sự phát triển đó còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chúng ta cần kích hoạt vai trò của khu vực kinh tế tư nhân nhiều hơn nữa, và diễn đàn ngày hôm nay sẽ là cơ hội để Đảng, Nhà nước và Chính phủ lắng nghe những kiến nghị, đề xuất sát với thực tiễn từ các doanh nghiệp tư nhân, nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ đặt ra những câu hỏi: Làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam – phần lớn với quy mô nhỏ - có thể vươn ra thị trường toàn cầu? Làm sao để các hộ kinh doanh có thể trở thành doanh nghiệp, tạo ra của cải cho xã hội? Đây là những vấn đề chúng ta cần phải giải đáp. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, con người cùng đổi mới sáng tạo - ở đây không chỉ là đổi mới về công nghệ, mà là đổi mới từ suy nghĩ, từ tư duy hoạt động – sẽ là những trụ cột của sự phát triển.

Cùng với đó, trong bối cảnh Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực, thì tinh thần doanh nghiệp cũng là điều Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi ở mỗi doanh nghiệp tư nhân: “Tôi cho rằng tinh thần doanh nghiệp có 3 nội dung quan trọng. Thứ nhất là trí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với những gì đang có mà nắm bắt cho được các cơ hội mà thị trường và công nghệ mang lại, nỗ lực tìm kiếm thị trường mới công nghệ mới nguyên liệu mới... Thứ 2 doanh nhân cần kinh doanh liêm chính tìm kiếm lợi nhuận chân chính, doanh nhân có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta. Nội dung thứ 3 là tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh. Đó là những tố chất cần thiết của những nhà doanh nghiệp...”

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa kêu gọi mỗi doanh nhân phải là 1 con người nhiệt huyết, gánh trên vai ước vọng bay cao không chỉ của bản thân, mà là cho cả dân tộc. Trên chặng đường đó, Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ có trách nhiệm đảm bảo các doanh nghiệp được bình đẳng, được bảo vệ, được khích lệ, được trao cơ hội, tất cả chung tay vì 1 tương lai bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.