Lãi suất ngân hàng nào đang cao nhất?

(VOH) - Kể từ tuần cuối tháng 9 đến nay, hàng loạt ngân hàng trong nước đã điều chỉnh biểu tăng lãi suất huy động.

Sau hơn một tuần Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng và thiết lập mặt bằng mới. Theo đó, lãi suất tiền gửi đã vượt mốc 8%/năm ở nhiều ngân hàng cổ phần, không phân biệt quy mô.

Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng cũng đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, cộng thêm lãi suất, sử dụng biểu lãi suất bậc thang khi khách hàng rút trước hạn để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ cư dân… Điều này dẫn tới tình trạng một số khách hàng đã dịch chuyển tiền gửi tiết kiệm sang ngân hàng khác để hưởng lãi cao hơn. 

tăng lãi suất
Các ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng

Xem thêm: Giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay

Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Ngân hàng Bản Việt với lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi 8,4%/năm ở kỳ hạn 18 tháng, lãnh lãi cuối kỳ chỉ với mức tiền gửi từ 10 triệu đồng. Những kỳ hạn khác cũng có mức lãi suất khá cao như kỳ hạn 6 tháng lãi suất 7,5%/năm, 9 tháng là 7,8%/năm, 12 tháng 8%/năm... Lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi.

Lãi suất tại ngân hàng số Cake by VPBank cao nhất đã lên tới 8,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đối với các khoản tiền gửi có giá trị trên 300 triệu đồng từ ngày 27/9. Với kỳ hạn 12 tháng, đơn vị này niêm yết lãi suất cố định 7,7%/năm và lãi suất bậc thang 8%/năm đối với số tiền gửi trên 300 triệu đồng.

Đối với tiết kiệm online, Vietcombank đã tăng lãi suất huy động tiền đồng 0,4 - 0,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Kỳ hạn 1 tháng có lãi 4,6%/năm, 3 tháng 4,9%, 6 tháng lên 5,5%, 12 tháng 6,9%. Ngân hàng này đã tăng lãi suất huy động lên cao gần bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Sacombank tăng lãi suất huy động tiết kiệm tại quầy từ 0,4 - 0,5%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,1%/năm, 2 tháng 4,3%, 3 tháng 4,4%, 6 tháng 5,8%, 12 tháng 6,5%… Đối với khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, nhà băng này trả lãi cao hơn 0,3 - 0,4%/năm tùy theo kỳ hạn; lãi suất cao nhất là 7,4%/năm ở kỳ hạn 24 tháng.

Tại nhiều ngân hàng tư nhân thuộc nhóm dưới, mức lãi suất huy động hầu hết vượt 7%/năm. Trong đó, VietA Bank công bố lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng lên tới 7,8%/năm. CBBank công bố lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên ở ngưỡng 7,5%/năm…

Việc lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng đẩy lên vượt mức 8%/năm và thiết lập mặt bằng mới khiến cho những người có tiền nhàn rỗi vô cùng “hoan hỉ” nhưng những người có nhu cầu vay vốn để mua nhà đất hoặc kinh doanh đang cảm thấy bất an bởi lo sợ lãi suất cho vay cũng tăng mạnh sau thời gian ưu đãi.

Số liệu của Tổng cục thống kê công bố cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.

Chênh lệch huy động – tín dụng âm, cộng thêm với lượng tiền đang bị nhà điều hành tiền tệ hút về, thanh khoản hệ thống ngân hàng có trạng thái căng thẳng. Thể hiện rõ nhất ở việc, lãi suất VND liên ngân hàng tăng vọt ở các kỳ hạn. Lãi suất qua đêm phiên 4/10 dừng ở mức 7,74%/năm, cao hơn 2,58 điểm phần trăm so với giữa tuần trước.

Bình luận