Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Làm sao để chuối có vị trí đứng ổn định, bền vững xuất khẩu?

(VOH) - Theo thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có khoảng 154.000 hecta trồng chuối với sản lượng 2,3 triệu tấn mỗi năm.

Tại Việt Nam, chuối là loại trái cây cho thu hoạch quanh năm và đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Ngoài thị trường lớn như Trung Quốc, hiện nay chuối Việt Nam đang được xuất sang Singapore, Malaysia, Trung Đông và Nga.

chuối
Chuối đã trở thành sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của ngành rau quả nước ta.

Đọc thêm: Chuối giá tốt nhờ xuất khẩu

Đầu tháng 11/2022, Nghị định thư xuất khẩu quả chuối tươi chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết. Điều này đồng nghĩa quả chuối đã có vị trí ổn định, bền vững trên thị trường Trung Quốc, đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định, từ đó giúp chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lợi ích cho người trồng chuối.

Theo ông Lê Văn Thiệt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc thực hiện tốt nội dung của Nghị định thư sẽ giúp giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, thông quan nhanh chóng tạo thuận lợi cho nhà xuất khẩu, góp phần giảm ùn tắc ở cửa khẩu.

Ông Thiệt cũng cho rằng, Nghị định thư ra đời giúp cho ngành chuối chuẩn hóa, từ quy trình trồng, đóng gói đến các yêu cầu kỹ thuật kiểm dịch thực vật. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến việc tạo giống, chăm sóc, thu hoạch, quan tâm đầu tư nhiều công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đồng bộ.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An lại cho rằng: “Doanh nghiệp nếu muốn làm ăn bền vững phải gắn với vùng trồng, hỗ trợ người nông dân trồng chuối và có những đánh giá thường xuyên để đảm bảo chuối xuất đi đáp ứng được yêu cầu của tất cả các thị trường”.

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai – địa phương có diện tích chuối lớn nhất nêu ý kiến, để giữ vững thế mạnh của chuối Việt Nam, cần phát triển các vùng sản xuất tập trung và gắn với lợi thế về cơ sở hạ tầng và logistics. Ngoài ra, cần hướng tới sản xuất hữu cơ và chế biến sâu…

Theo ông Sinh, cần xem xét tăng cường sử dụng các phụ phẩm của chuối để gia tăng giá trị của chuối, tổ chức sản xuất tốt hơn để người dân tích cực tham gia các hợp tác xã, từ đó chia sẻ và thống nhất quy trình sản xuất, giám sát lẫn nhau để cùng tạo ra các sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn.

Đồng Nai là địa phương có diện tích chuối lớn nhất với hơn 13.000 ha, chiếm tỷ lệ 8,53%. Chuối là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh. Đây là một trong số ít các loại cây ăn quả có khả năng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung quy mô 400 - 500 ha.

Diện tích cây chuối ở Đồng Nai phân bố trên khắp các địa bàn trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán Năng suất trung bình khoảng 40 - 45 tấn/ha. Sản lượng ước tính đạt 450.000 tấn/ năm, trong số này, trên 80% là để xuất khẩu.

Bình luận