Việc thúc đẩy lệnh cấm Huawei trên toàn cầu do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đã phát huy hiệu quả, khiến Huawei mất đi thị phần khá lớn bên ngoài thị trường Trung Quốc và bị thua trước các đối thủ cạnh tranh ở các nước phương Tây.
Tờ The Wall Street Journal ngày 7/3 đưa tin, một công ty nghiên cứu trong ngành cho biết Huawei đã bị mất ưu thế cạnh tranh trước các đối thủ phương Tây trong lĩnh vực thiết bị không dây bên ngoài thị trường Trung Quốc vào năm ngoái. Điều này chứng tỏ chiến dịch của Mỹ nhằm kiềm hãm Huawei đang bắt đầu phát huy tác dụng.
Theo số liệu từ tập đoàn phân tích và nghiên cứu thị trường Dell'Oro của Mỹ, thị phần về doanh thu từ việc bán các thiết bị không dây của Huawei trên toàn cầu (trừ Trung Quốc) đã giảm 2%, xuống còn khoảng 20% vào năm ngoái, đứng sau các đối thủ cạnh tranh như Ericsson và Nokia.
Thị phần của 2 công ty này đều tăng trong năm ngoái, trong đó Ericsson giữ vững ngôi vị đầu bảng về doanh thu tại các thị trường ngoài Trung Quốc với mức tăng 2% và chiếm khoảng 35% thị phần; trong khi thị phần của Nokia là khoảng 25%, tăng 1 %.
Nhà phân tích Stefan Pongratz của Dell’Oro nói với The Wall Street Journal rằng: "Những nỗ lực của chính phủ Mỹ đã giúp kìm hãm sự phát triển của Huawei", đồng thời khẳng định lệnh cấm Huawei của Mỹ đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Theo báo cáo trên, cả Ericsson và Nokia đều giành được thêm thị phần vào năm ngoái, khiến Huawei rơi xuống vị trí thứ 5 trong danh sách các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Chính quyền Donald Trump cho rằng Huawei có mối quan hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc, và nhà chức trách Trung Quốc có thể buộc Huawei tiến hành các hoạt động giám sát hoặc phá hoại hệ thống mạng. Phía Huawei đã phủ nhận về điều này.
Trước sức ép của Mỹ, nhiều đồng minh của Mỹ đã cấm hoặc hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei trong xây dựng hệ thống mạng 5G vì lý do an ninh quốc gia.
Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố rằng họ coi Huawei là mối đe dọa về an ninh và cho biết sẽ hợp tác với các đồng minh để bảo vệ các mạng viễn thông.
Ông Pongratz cho biết các quốc gia đã ban hành hoặc đang xem xét thực hiện lệnh cấm hoặc hạn chế đối với Huawei (bao gồm Australia, Anh và một số nước châu Âu khác) chiếm hơn 60% thị trường thiết bị không dây trên toàn cầu.
Ông nói, trong vài năm trở lại đây, có hơn 25 nhà cung cấp viễn thông châu Âu đã chuyển từ Huawei sang một nhà cung cấp khác.
Tin cho hay, sau khi Anh tuyên bố cấm sử dụng thiết bị 5G của Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu của nước này là BT Group PLC cho biết họ sẽ thay thế các thiết bị của Huawei và quá trình thay thế này ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 700 triệu USD.
BT Group PLC đã ký hợp đồng với Nokia, theo đó Nokia trở thành nhà cung cấp cơ sở hạ tầng 5G lớn nhất của BT Group PLC.
Những năm gần đây, Mỹ luôn tìm cách thuyết phục các đồng minh tránh xa các công ty viễn thông của Trung Quốc như Huawei và ZTE vì lý do an ninh quốc gia. Chính quyền Donald Trump cũng từng cảnh báo về những rủi ro khi phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc.