Loay hoay tìm thương hiệu cho gạo Việt

(VOH) - Dù là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng Việt Nam vẫn đang loay hoay trong chọn giống chủ đạo, chọn thương hiệu gạo phù hợp cho xuất khẩu.

Đây là vấn đề được phân tích trong hội thảo do Hiệp hội Lương thực và Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.

Gạo đang được đánh bóng (Ảnh: HQ Online)

Xung quanh vấn đề tái cơ cấu để nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo, PGS TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối cho rằng, cần sản xuất tập trung, tổ chức lại sản xuất để làm sao có diện tích rộng lớn và có vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu để tăng hiệu quả.

Ngoài ra, cần quan tâm tới ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí giá thành. Bộ Nông nghiệp cần đưa ra đề án giảm thất thoát sau thu hoạch và đặc biệt quan tâm sản xuất chế biến sau gạo, chế biến sâu để nâng cao giá trị hạt gạo.

Về việc nghiên cứu để có giống lúa chất lượng cho xuất khẩu, GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam gợi mở, nên chia ra 3 nhóm: chủ lực khoảng 5-6 giống, địa phương khoảng 10 giống. Nhóm giống khảo nghiệm thì nằm bên ngoài để trồng thử và xem xét.

Trong xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam đề xuất: "Cơ cấu gạo thơm 9 tháng năm nay của Việt Nam là ba mươi mấy phần trăm, chứ không còn hai mươi mấy phần trăm nữa. Nhưng điều đáng lưu ý là gạo thơm Jasmin 85 có 50-60%, khoảng 700-800 ngàn tấn/năm đi ra nước ngoài. Tại sao không áp dụng mô hình của Basmati và Homali để đẩy nhanh lên".

Theo ông Năng, chỉ cần 2 điều kiện thôi. Thứ nhứt, đừng có nói tiêu chuẩn gạo thơm chung chung. Gạo thơm là Nàng Hoa hay là ST 21 hay là Jasmin 85, độ thuần 85-90% trở lên là hoàn toàn khác nhau về dạng hình. Phải nói là tiêu chuẩn chất lượng gạo Jasmin 85, giống như tiêu chuẩn chất lượng gạo Basmati, tiêu chuẩn chất lượng gạo Homali. Như vậy, khi ai chấp nhận là làm theo tiêu chuẩn này và xuất khẩu được, thì đây là thương hiệu gạo Việt. Thương hiệu gạo thơm Jasmin Việt Nam đi ra thế giới 700-800 ngàn tấn/ năm không phải là con số nhỏ và nó sẽ còn lớn hơn nữa.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ 3 xu thế trong cạnh tranh xuất khẩu, nguồn cung có xu hướng ngày càng tăng, nguồn cầu trong nước và thế giới đòi hỏi gạo chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá thành cạnh tranh. Hiện sản phẩm lúa, gạo hàng hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tăng về số lượng nhưng chưa thực sự quan tâm đến chất lượng.

Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vựa lúa gạo lớn nhất cả nước, cung cấp trên 90% sản lượng gạo cho xuất khẩu. Với định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa theo hướng chất lượng cao cho xuất khẩu từ 2-3 triệu tấn/năm sẽ phù hợp với nguồn cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Qua đó, định dạng lại 3 vùng sinh thái có tiềm năng lợi thế sản xuất lúa, gạo; trong đó, khai thác triệt để 2 vùng sinh thái nước ngọt Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và vùng luân canh lúa – tôm giữa sông Tiền - sông Hậu ven biển.