Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m khối gỗ

(VOH) - Hiện nay nguồn cung nguyên liệu gỗ khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến. Do đó, mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m khối gỗ.

Tại buổi giới thiệu về Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp chế biến gỗ 2022 - Vietnam Wood 2022, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, về nguyên liệu gỗ, hiện nay nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m khối gỗ.

nhập khẩu gỗ
Chuyên gia chia sẻ về lộ trình chuyển đổi thông minh của ngành công nghiệp gỗ, nội thất trong kỷ nguyên 4.0

Ở chiều ngược lại, 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt hơn 11 tỷ đô la Mỹ, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trở lại trong tháng 8/2022 nhưng do ảnh hưởng của lạm phát, những bất ổn về kinh tế toàn cầu dự báo sẽ còn tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ, sản phẩm gỗ nói riêng và các mặt hàng khác nói chung của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM dự báo, trong ba tháng cuối năm, mỗi tháng kim ngạch có thể đạt 1,5 tỷ USD. Như vậy, quý IV có thể đạt khoảng 4,5 tỷ USD, nâng lũy kế cả năm lên 16,9 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước.

Từ ngày 18/10 đến ngày 21/10 tới đây, Triển lãm quốc tế VietnamWood 2022 trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, chế biến gỗ sơ và thứ cấp; kết hợp triển lãm quốc tế thiết bị, phần cứng và dụng cụ nội thất Việt Nam (Furnitec 2022) sẽ được tổ chức.

Năm nay, VietnamWood 2022 mang đến các xu hướng, giải pháp mới nhất dành cho chuỗi sản xuất, chế biến gỗ, thu hút hơn 250 doanh nghiệp từ 24 quốc gia và khu vực.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho hay, triển lãm không chỉ đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng của thị trường đồ gỗ nội thất, mà còn mang đến một nền tảng kết nối phát triển kinh doanh.

Với sự lên ngôi của xu hướng tự động hóa sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ nhằm giảm số lượng lao động trực tiếp, thay thế bằng công nghệ máy móc, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng định hướng được dòng sản phẩm sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. 

Các thương hiệu tham gia VietnamWood 2022 nắm bắt và đem đến các giải pháp kiểm soát được sản phẩm từ nguyên vật liệu cho đến khi hoàn thành và chuyển đến tay người tiêu dùng. Từ đó, đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các thành phẩm, giảm chi phí sản xuất, đổi mới cải tiến mẫu mã, tăng lợi nhuận. Đây cũng là chiến lược của ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay.