Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho biết, số tiền bồi thường sẽ được trả lại cho những người bị ảnh hưởng bởi âm mưu gian lận lớn do người sáng lập tập đoàn FTX (hiện đã phá sản) Sam Bankman-Fried và một nhóm người cốt cán trong FTX dàn dựng.
FTX sụp đổ vào cuối năm 2022 trong bối cảnh giá tiền điện tử lao dốc. Người sáng lập của sàn, Bankman-Fried bị kết án tù 25 năm vào tháng 3/2024 sau khi bị kết tội gian lận và âm mưu rửa tiền vào cuối năm ngoái. Người này đã bị tịch thu 11 tỷ đô la tài sản.
FTX - từng có giá trị 32 tỷ đô la - đã sử dụng tiền của khách hàng cho các khoản đầu tư rủi ro, thông qua một quỹ đầu tư liên kết chặt chẽ, Alameda Research.
Bankman-Fried ngược lại đã sử dụng tiền của khách hàng cho các hoạt động của riêng mình, bao gồm các khoản đóng góp chính trị lớn mang tên người này, xe hơi sang trọng, bất động sản ở Bahamas...
Một khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ được phơi bày sau khi khách hàng bắt đầu yêu cầu trả lại tiền mặt. Các công tố viên cho biết, hoạt động của Bankman-Fried được ngụy trang dưới vỏ bọc công nghệ mới.
Tổng cộng, Bankman-Fried đã 'đánh cắp' 8 tỷ đô la từ khách hàng của mình.
Chủ tịch CFTC, Rostin Behnam cho biết: “FTX đã sử dụng các chiến thuật lâu đời để tạo ra ảo tưởng rằng, đây là nơi an toàn và bảo mật để tiếp cận thị trường tiền điện tử. Nhưng các công cụ quản lý cơ bản như quản trị, bảo vệ khách hàng và giám sát để xác định hành vi sai trái và ngăn chặn sự sụp đổ, đơn giản là không có ở đó”.
Lệnh bồi thường mới nhất của tòa án liên bang Mỹ tại quận phía nam New York đã chấm dứt vụ kiện kéo dài gần hai năm do CFTC đệ trình vào tháng 12/2022.
Lệnh của thẩm phán cấm vĩnh viễn FTX giao dịch, nắm giữ hoặc nhận tiền cho mục đích mua hoặc bán tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, Behnam cho biết vụ việc này là bằng chứng cho thấy cần có những quy định chặt chẽ hơn để quản lý tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử.