Các chia sẻ trong hội thảo lần này là cơ sở để cho Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan của Chính phủ tham khảo trong xây dựng, điều hành chính sách, bên cạnh đó cũng nhằm giúp cho các doanh nghiệp có những chiến lược kinh doanh phù hợp, ứng phó kịp thời với các điều kiện bấp bênh của thị trường kinh tế thế giới, hướng đến phát triển bền vững trong tương lai và cụ thể là trong năm 2020.
Nói về khái niệm “Bình thường mới” - chủ đề Hội thảo năm nay, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, những gì bất thường xảy ra quá đều đặn trở thành trạng thái "bình thường mới" (new normal). Ông dẫn chứng: Lãi suất dài hạn thấp hơn ngắn hạn đang trở thành điều bình thường khi trước đây lãi suất dài hạn đương nhiên phải cao hơn lãi suất ngắn hạn. Nếu ngược lại là chỉ báo cho khủng hoảng. Cứ lãi suất giảm, đảm bảo kích đầu tư, kích lạm phát. Tuy nhiên lãi suất giảm, lạm phát thấp đang trở thành điều bình thường. Rõ ràng trong xu thế toàn cầu giảm tăng trưởng nhưng Việt Nam vẫn giữ tăng trưởng kinh tế. Năm 2019 tăng trưởng 7.02% và chính thức năm thứ 3 xác lập mặt bằng tăng trưởng mới. Nó diễn ra lặp đi lặp lại thành ra mọi người đang nghĩ là một điều bình thường. Đây thực sự là trạng thái mới, bình thường mới.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam, đã ví von, năm 2019 kinh tế VN đã bước qua "lời nguyền" trong suốt 50 năm qua, bởi nhìn lại lịch sử - những năm có những con số 9 gần như kinh tế đều khá tệ: năm 1979 là chiến tranh biên giới, 1989 là bất ổn vĩ mô, 1999 khủng hoảng kinh tế châu Á lan sang Việt Nam, 2009 bong bóng chứng khoán, bất động sản và khủng hoảng toàn cầu, riêng 2019 là thoát khỏi lời nguyền đó.
Tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng: dù có nhiều dự báo lạc quan về kinh tế năm 2020 nhưng đằng sau đó còn những lo ngại về hoạch định chính sách, tuy có nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội do hội nhập mang lại: Theo tính toán hội đồng giá 90%, khả năng quý 1 trên 4%, chưa kể biến động khó lường của giá dầu do Iran và Mỹ. Cho nên mức tăng trưởng 6,7 cũng là vừa phải. VN có lợi thế hội nhập đem lại trong đó có 3 lĩnh vực: thứ 1 dệt may, da giày, thủy sản, thứ 2 công nghiệp hỗ trợ, thứ 3 cách mạng tiêu dùng như giải trí, du lịch, bán lẻ, bất động sản và hạ tầng kéo theo....
Khi đề cập đến cơ sở hạ tầng trong mối quan hệ với tài chính kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, nhận định rằng, cơ sở hạ tầng chính là dấu trừ trong điều hành chính sách của năm 2019, đó là sự thất bại về thể chế. Nhìn lại cách đây hơn 1 thập kỉ, Việt Nam chi 12% GDP cho cơ sở hạ tầng, trong khi đến năm 2019, chi cho cơ sở hạ tầng chỉ có 6% và những ách tắc về cơ sở hạ tầng không được giải quyết. Tuy nhiên, việc sửa luật đầu tư công có hiệu lực ngay thời điểm năm 2020 này sẽ cởi trói cho một số vấn đề, đặt trách nhiệm lớn cho người đứng đầu.
Hiện tại, theo giới chuyên gia kinh tế, các dự báo cho kinh tế toàn cầu vẫn rất khó đoán định, trong đó tác nhân lớn và xuyên suốt nhất trong năm 2020 vẫn là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ- Trung. Tuy nhiên, bước sang năm 2020 khi nước ta chính thức đảm nhận vai trò kép là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Khi đó, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều cơ hội nhằm thúc đẩy sự phát triển, sự hội nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ ngày càng sâu sắc hơn, tiếp tục tăng cường vị thế ngoại giao cho Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều giá trị gia đình bị phá vỡ trong "thời đại 4.0"?: Trong thời đại 4.0, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải được tưới hằng ngày, phải có sự chia sẻ, gắn kết với nhau thường xuyên và bữa cơm gia đình rất quan trọng.
Dự báo thời tiết hôm nay 7/1: Hà Nội đêm và sáng sớm trời lạnh: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong ngày và đêm nay (7/1), ở Tây Nguyên có mây, ngày nắng, đêm có mưa rào vài nơi