Chờ...

Năm 2020 lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150%

(VOH) - So với khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á.

“Việc hàng loạt các sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn, bằng chứng là lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số 3.500.000 lượt khách/ngày…”– Thông tin được nêu tại hội thảo giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử và các vấn đề pháp lý quan trọng diễn ra sáng 10/11 do Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam, Hiệp Hội thương mại Điện tử Việt Nam phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư Thành phố tổ chức.

thương mại điện tử

Các chuyên gia tại hội thảo nhấn mạnh, để có một môi trường giao dịch văn minh, trung thực, hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020, doanh thu thương mại điện tử Doanh nghiệp với Khách hàng (B2C) tại Việt Nam năm 2019 là hơn 10 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%. So với khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á. Với những thống kê ấn tượng này, có thể thấy, hoạt động giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã và đang diễn ra rất sôi động, phát triển vô cùng nhanh chóng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM đánh giá cao các bước tiến vượt bậc của ngành thương mại điện tử. Nhờ sự hỗ trợ từ thương mại điện tử, doanh nghiệp được thuận lợi hóa, linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, tăng khối lượng khách hàng và được tiếp cận gần hơn với công nghệ số. “Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng được các nhãn hàng, nhà bán lẻ, nhà đầu tư nhắm đến. Để nước ta có được nền kinh tế như hiện nay, thì thương mại điện tử đã đóng góp nhiều công sức. Đặc biệt trong những năm gần đây, bên cạnh phân phối truyền thống, thì hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại lớn như Amazon, Lazada, Tiki… tăng cường các hoạt động giao thương không chỉ trong nước mà còn mở rộng đến thị trường các nước bạn”, ông Nguyễn Tuấn nhìn nhận.

thương mại điện tử

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) ký kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa hàng lên sàn thương mại điện tử.

Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, Việt Nam đang nỗ lực để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó việc xây dựng nền tảng thương mại điện tử tốt, an toàn là điều vô cùng cần thiết. Những năm gần đây, tuy thay đổi không nhiều, nhưng đa số những doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn tới việc chăm sóc, cập nhật thông tin trên hệ thống website của mình. Cụ thể 47% doanh nghiệp cho biết thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày, 23% doanh nghiệp có cập nhật thông tin hàng tuần. Sự thay đổi thói quen này của doanh nghiệp đã phản ánh một thực trạng khả quan về hoạt động thương mại điện tử, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của thương mại điện tử, công nghệ trực tuyến trong tương lai. 

Luật sư Châu Việt Bắc cho rằng, để các giao dịch qua công cụ điện tử được thực hiện an toàn, đảm bảo quyền lợi của người cung cấp, người tiêu dùng, sàn giao dịch, các quy định pháp luật cần được xây dựng và được hướng dẫn để áp dụng sao cho chặt chẽ, hiệu quả.

thương mại điện tử

Toàn cảnh hội thảo giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử và các vấn đề pháp lý quan trọng diễn ra sáng nay 10/11 tại TP.HCM

Đối với xuất khẩu đồ gỗ trên sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Chánh Phương – Chủ tịch Hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) chia sẻ: “Sự phổ biến của thương mại điện tử bán lẻ, đã giúp ngành đồ gỗ Việt Nam mặc dù trong thời kỳ do suy thoái Covid-19 vẫn bán được hàng. Hiện nay vẫn tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, vác thị trường khác có thể giảm do chi tiêu tiết kiệm, nhưng ở thị trường Mỹ thì vẫn tăng trưởng”.

Đề cập về thương mại điện tử - xu hướng trong hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), nhìn nhận, việc hàng loạt các sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn, bằng chứng là lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số 3.500.000 lượt khách/ngày.

Song song với những ưu điểm, ông Dũng cũng chỉ ra một số rào cản cần tháo bỏ khi tiến hành các giao dịch. Từ việc đánh giá thực tiễn cũng như phản hồi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nhấn mạnh, để có một môi trường giao dịch văn minh, trung thực, hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch. Theo đó, bên cạnh các phương thức thương lượng, giải quyết khiếu nại, hòa giải, trọng tài thương mại là những phương thức các sàn có thể cân nhắc sử dụng để giải quyết dứt điểm các sự cố, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa, giao dịch.