Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, ngành thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía nam.
Đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía bắc (thiệt hại cho sản xuất nông lâm thủy sản khoảng 31.800 tỷ đồng và làm giảm khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm tăng trưởng của toàn ngành trong năm 2024).
Tuy nhiên, ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất.
Năm 2024 giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính đạt 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản đạt 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 sản phẩm so với năm 2023).
Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Ngành chuyển đổi mạnh tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản. Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ...