Chờ...

Nắm được diễn biến của kinh tế vĩ mô luôn cần thiết đối với nhà đầu tư tài chính

(VOH) - Thời điểm này, rất nhiều người hoang mang không biết có chuyện gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán khi thị trường trước đó đang ở trên đỉnh bỗng giảm sâu.

Tại tọa đàm "Kinh tế vĩ mô có cần cho đầu tư chứng khoán" do SSI vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng, việc nắm được các diễn biến vĩ mô là rất cần thiết với các nhà đầu tư tài chính, kể cả đối với những nhà đầu tư ngắn hạn.

Sai lầm của nhà đầu tư F0 là bỏ qua các yếu tố về kinh tế vĩ mô

Theo các chuyên gia, một trong những thói quen sai lầm của nhà đầu tư F0 đó là khi thị trường trong chu kỳ tăng điểm thì hầu hết đều bỏ qua các yếu tố về kinh tế vĩ mô. Họ nghĩ rằng, việc thị trường đang tăng điểm và cổ phiếu đang có lãi là do họ lựa chọn được những cổ phiếu tốt sẽ tăng giá trong tương lai mà không quan tâm đến yếu tố vĩ mô, lĩnh vực ngành đầu tư, doanh nghiệp lựa chọn. Bất ngờ một ngày, khi thị trường xuất hiện sự điều chỉnh đổ dồn lên các yếu tố vĩ mô.

Trong thời điểm này, rất nhiều người hoang mang không biết có chuyện gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán khi thị trường trước đó đang trên đỉnh bỗng giảm sâu. Trong khi đó, yếu tố vĩ mô tác động mạnh đến thị trường, đó là tình hình dịch Covid-19 phức tạp gia tăng, thêm vào đó, TPHCM là đầu tàu kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất; việc giãn cách cũng gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư về hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, giai đoạn này chúng ta lẽ ra đang xuất khẩu hàng hoá tháng 7, 8, thì nay đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng...

phạm lưu hưng
Ông Phạm Lưu Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI

Do đó, ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, việc nắm được diễn biến của kinh tế vĩ mô luôn cần thiết đối với nhà đầu tư tài chính, kể cả đối với các nhà đầu tư ngắn hạn.

“Lý do là vì nắm được tình hình vĩ mô đối với nhà đầu tư tài chính chủ yếu để biết được là mình đang trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh tế, ngay cả khi bạn chỉ mua bán phái sinh thôi thì nếu bạn biết được mình đang trong giai đoạn chu kỳ kinh tế nào tăng hay giảm, triển vọng kinh tế sắp tới tăng hay yếu đi thì bạn sẽ xây dựng vị thế trong kế hoạch đầu tư của mình phù hợp hơn. Ví dụ khi biết trước Việt Nam đang trong quá trình hồi phục kinh tế khá tốt, mà hiện nay bạn đang kiếm tiền rất tốt từ thị trường phái sinh thì điều đó cũng không kéo dài, do đó cần chuyển trạng thái đầu tư của mình luôn trong dài hạn”- ông Hưng phân tích.

Cần nhìn xu hướng dài hạn

Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia, chúng ta cũng cần xác định được động cơ phát ngôn sau đó để sàng lọc thông tin, ông Lê Quý Hải - Phó Giám đốc Đầu tư - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý Quỹ SSI lưu ý, cần tiếp cận thông tin một cách bài bản, phân bổ 20% quỹ thời gian cho nghiên cứu vĩ mô, 30% nghiên cứu thị trường, 50% cho nghiên cứu công ty mà bạn dự định mua cổ phiếu. Cũng cần nhìn xu hướng dài hạn, chứ không nên nhìn đơn giản một, hai lần mang tính chất thời điểm.

“Còn nếu như các bạn thấy việc sàng lọc thông tin mất quá nhiều thời gian, cách tốt nhất là chúng ta tập trung lắng nghe của những người quan trọng và có tiếng nói trong lĩnh vực mà chúng ta đang quan tâm. Ví dụ, như trong mỗi giai đoạn nhạy cảm điều chỉnh chính sách tiền tệ của Mỹ, thì có rất nhiều thống đốc các bang sẽ đưa ra dự báo về chính sách tiền tệ, tuy nhiên chúng ta có thể đưa ra quyết định đầu tư dựa trên phát biểu của người đứng đầu cơ quan cao nhất điều hành chính sách tiền tệ” - ông Hải đưa ra lời khuyên.

Trước vấn đề đặt ra thời gian tới khi khó khăn của Covid-19 tiếp tục tác động mạnh thì dòng tiền có chảy nhiều vào thị trường chứng khoán trong ngắn hạn hay không?, ông Lê Quý Hải cho rằng, trên thực tế hai năm trở lại đây, khi dịch bệnh xuất hiện gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới đều tăng. Một phần nguyên nhân xuất phát từ các quốc gia áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất khiến đồng vốn rẻ đi. Đơn cử như lãi suất tiết kiệm như ở Việt Nam, năm 2020 có 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, áp trần với kỳ hạn ngắn.

Theo ông Hải, thông thường nhà đầu tư cũng sẽ có cân nhắc, khi kênh truyền thống là gửi tiết kiệm ngân hàng không mang lại tỷ suất hấp dẫn nữa thì họ sẽ chuyển đầu tư các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, gần đây cũng có nhiều loại tài sản khác nữa…