Nâng chất nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số công nghiệp chế biến chế tạo

(VOH) - Thông tin được nêu tại hội thảo chuyển đổi số cho công nghiệp chế biến chế tạo diễn ra ngày 27/5 do Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao tổ chức.

Trung tâm Hợp tác Đào tạo Việt – Hàn sẽ liên kết với các đối tác Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo để xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn Hàn Quốc, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp hiện nay.

Cung ứng nhân lực chất lượng cao

Theo đó, Trung tâm Hợp tác Đào tạo Việt – Hàn sẽ cung ứng nhân lực chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực Cơ khí chính xác, Tự động hóa, Chuyển đổi số và Nhà máy sản xuất thông minh. Đây là những công nghệ nền tảng giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

“Tôi hy vọng mô hình này sẽ phát huy hiệu quả trong việc giúp cho nguồn nhân lực Việt Nam nâng cao được chất lượng của mình trong vấn đề thực hành, tiệm cận với các doanh nghiệp Hàn Quốc để phục vụ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như Việt Nam”- ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo Việt - Hàn cho hay.

Nâng chất nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số công nghiệp chế biến chế tạo 1
Ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo Việt – Hàn cho biết, Trung tâm Hợp tác Đào tạo Việt – Hàn sẽ cung ứng nhân lực chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực Cơ khí chính xác, Tự động hóa, Chuyển đổi số và Nhà máy sản xuất thông minh

Ông Byun Ki Jung – Giám đốc Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc – Văn phòng tại Việt Nam cho hay, trung tâm cũng tư vấn, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Hàn Quốc nhằm gia tăng năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam và dần thu hẹp khoảng cách khoa học công nghệ giữa hai nước. Đồng thời, thông qua hoạt động đào tạo và tổ chức các chương trình đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động theo tiêu chuẩn Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

“Với sự phát triển kinh tế của hai nước, trung tâm hợp tác Việt Hàn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thông qua quá trình trao đổi công nghệ, đào tạo và hợp tác giữa các doanh nghiệp đang hoạt động tại Hàn Quốc và Việt Nam. Đồng thời, tạo ra một cộng đồng giao lưu, trao đổi công nghệ và hợp tác kinh doanh giữa Hàn Quốc và Việt Nam”, ông Byun Ki Jung kỳ vọng. 

Mô hình hay về chuỗi nhà máy thông minh của Hàn Quốc

Chia sẻ về các chính sách liên quan đến nhà máy thông minh mà chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện, ông Cho Yong Ju, đại diện Phòng Nghiên cứu Hệ thống Sản xuất Thông minh, thuộc Viện Công nghệ Công Nghiệp Hàn Quốc cho hay, tiêu biểu là “Dự án Phổ cập và Mở rộng Nhà máy Thông minh” đang được thực hiện ứng dụng các công nghệ nhà máy thông minh như ERP, MES, IoT, big data, công nghệ trí tuệ nhân tạo… vào các địa điểm sản xuất và đang được xúc tiến cho khoảng 25.000 công ty vào năm 2021. Dự án cũng đang được tiến hành với mục tiêu có khoảng 30.000 công ty vào năm nay - 2022, mặc dù vậy, khả năng các nhà máy thông minh được các công ty sản xuất áp dụng là khá thấp.

Xem xét tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang chuyển đổi sang chính sách tiêu chuẩn hoá nhà máy thông minh tiên tiến, thúc đẩy các chính sách áp dụng phân tích dữ liệu. Ông Cho Yong Ju cho biết thêm, những năm gần đây, chính sách ứng dụng công nghệ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo ở Hàn Quốc đang có nhiều thay đổi. Nhiều loại chương trình đa dạng khác nhau liên quan đến sản xuất dữ liệu và công nghệ trí tuệ nhân tạo đang được thực hiện bởi Bộ Công nghiệp, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, và Bộ Khoa học và Công nghệ… Việc thu thập dữ liệu sản xuất theo ngành và cách sử dụng dữ liệu thu thập được theo ông Cho Yong Ju là rất quan trọng.

“Các trường hợp ứng dụng nhà máy thông minh do KITECH tiến hành cho từng ngành nghề. Trường hợp đầu tiên là trường hợp áp dụng công nghệ 5G, bằng cách sử dụng Testbed do KITECH chế tạo. Ngoài ra, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng, để kiểm chứng các công nghệ khác nhau, liên quan đến công nghệ 5G, bằng cách sử dụng Testbed đã được thiết lập”- ông Cho Yong Ju thông tin.

Ngành hàng không vũ trụ ứng dụng công nghệ in 3D

Nói thêm về công nghệ in 3D ở Hàn Quốc - một phương pháp sản xuất mới xây dựng từng lớp vật liệu nhựa hoặc kim loại dựa trên mô hình 3D và sau đó sản xuất các bộ phận cuối cùng thông qua quá trình xử lý sau như xử lý nhiệt và gia công, ông Son Yong, giám đốc Trung tâm Đổi mới Sản xuất tại Viện Công Nghệ Công Nghiệp Hàn Quốc KITECH cho hay, công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, các công nghệ như công nghệ đa màu, đa vật liệu, diện tích lớn, tốc độ cao… đã và đang được phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: tàu thuyền, giày dép tuỳ chỉnh, thiết bị trợ thính, xây dựng, quốc phòng, kính thuốc, yên xe đạp, nẹp gỗ…

Đặc biệt, ngành hàng không vũ trụ là một trong những lĩnh vực mà công nghệ in 3D được ứng dụng tích cực, vì đòi hỏi phải chế tạo các vật liệu có hình dạng phức tạp và nhiều bộ phận.  Công nghệ in 3D có thể tiết kiệm vật liệu, có ưu điểm là có thể thực hiện các hình dạng phức tạp, thay đổi hình dạng dễ dàng, nên nó đang được sử dụng nhiều như một công nghệ sản xuất các loại chi tiết số lượng ít trong thời gian gần đây. Hiện tại, KITECH cũng đang tiến hành nghiên cứu chủ yếu về phát triển quy trình cho các bộ phận trong quốc phòng, ô tô và vũ trụ.