Quan điểm trên được các diễn giả chia sẻ tại hội thảo:” Nền tảng số trong mối quan hệ Chính quyền và Doanh nghiệp – Điều kiện để kinh tế bứt phá” diễn ra sáng nay 14/10 do Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới cho sự phát triển của Thành phố”.
Phân tích sâu hơn, các diễn giả cho rằng, nền tảng số chính là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.
Vậy chuyển đổi số bắt đầu tư đâu? Theo chuyên gia Albert Antoine - Giám đốc điều hành của Avaiga, phải xây dựng, thu thập các data dữ liệu. Đây chính là văn hóa chia sẻ và văn hóa hợp tác. Nếu không có hai vấn đề này thì chuyển đổi số sẽ không thành công. Song song đó là cần phải đào tạo công chức về chuyển đổi số. Họ sẽ là người thu thập và phân tích các dữ liệu theo từng lĩnh vực. Khi có cơ sở dữ liệu thì chính là công cụ để dự báo, để quản lý điều hành và hoạch định chính sách, chuẩn bị các phương án quản lý linh hoạt, nhanh chóng.
Đứng về góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT –Tổng Giám đốc PNJ mong muốn kho dữ liệu dùng chung và phải liên thông với nhau và phải có những lớp giá trị gia tăng. Để hội nhập ngày càng sâu rộng và gia tăng tính cạnh tranh thì câu chuyện chuyển đổi số phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp mà ở đó vai trò chính quyền làm đầu tàu để tạo nên sự bức phá. Sự kết nối với hạ tầng, kết nối nền tảng số mang tính xã hội phải được thiết kế bởi chính quyền là vấn đề rất quan trọng. Cần có tầm nhìn, quy hoạch chung.
Ông Nguyễn Công Tẩn - Ủy viên Ban chấp hành Hội doanh nhân Trẻ TPHCM khẳng định: "Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Trong mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp, để phát triển tốt chính là dễ dàng khai thác các nền tảng, dữ liệu từ các Sở, Ban ngành. Sự kết nối đó phải sâu, rộng, kịp thời, mới có thể phát huy lợi thế kinh doanh và giúp cho nền kinh tế phát triển. Và sự chia sẻ nhanh chóng, cập nhật kịp thời cũng chính là tháo gỡ những hạn chế về mặt thủ tục hành chính. Đây là điều mà doanh nghiệp mong muốn".