Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, phát hiện, xử lý và phối hợp cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm kinh doanh vàng, đặc biệt là trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới, gây xáo trộn thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cơ quan này tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng. Đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Thời gian gần đây, giá vàng quốc tế và trong nước có biến động tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, sẵn sàng có giải pháp can thiệp bình ổn thị trường nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngày 19/1, giá vàng miếng SJC trong ngày có lúc tăng lên mức cao nhất 77 triệu đồng/lượng và tăng trong ngày lên 500.000 đồng/lượng.
Công ty SJC mua vào lên 74,3 triệu đồng, bán ra 77 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 74,45 triệu đồng, bán ra 76,95 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 74,5 triệu đồng, bán ra 76,9 triệu đồng… Vàng miếng SJC đang cao hơn giá thế giới khoảng 16,5 triệu đồng/lượng.