Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ngành dệt may Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức

(VOH) - Ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức do đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá.

Có thể kể đến như việc các đơn hàng tháng 11 và tháng 12 năm nay và quý 1/2023 đã sụt giảm, mức bình quân giảm từ 25-27%. Đặc biệt với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) đã phỏng vấn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức 1
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

*VOH: Thưa ông, trước thách thức của ngành dệt may Việt Nam khi các đơn hàng xuất khẩu giảm hoặc là không có đơn hàng, chúng ta có giải pháp gì để vượt qua khó khăn ?

Ông Vũ Đức Giang: Thứ nhất, sắp xếp thời gian làm việc cho phù hợp. Ví dụ, trước đây chúng ta tận dụng chính sách, chế độ giờ làm, bây giờ chỉ có thể duy trì lao động làm việc trong thời gian 8 tiếng. Đó là giải pháp hữu ích nhất.

Vấn đề thứ hai là các doanh nghiệp cũng tạo cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức. Trong những năm vừa qua họ đã miệt mài thực hiện giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất để tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Đây là mục tiêu duy trì sản xuất, công ăn việc làm cho doanh nghiệp, nhưng quan trọng là phải ổn định, bền vững cho mục tiêu 2023.

Dệt may Việt Nam vẫn tổ chức sản xuất được, dù trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn có giải pháp tổ chức sản xuất, lao động hiện có khoảng khoảng gần 3-5 triệu người. Với số lao động bị ảnh hưởng, hiện nay chúng tôi đang yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ, báo cáo về cách sử dụng lao động của họ. Bởi vì doanh nghiệp FDI thì công ty mẹ hoạt động ở nước ngoài, còn doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, cách quản lý của người Việt Nam có những chính sách tạo ra sự ổn định, đồng cảm và trách nhiệm xã hội. 

Bây giờ, để giữ được lao động chúng ta phải tìm giải pháp từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vấn đề tài chính, nỗ lực quản trị của doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp phải coi trọng nguồn lực lao động, đó là tài sản số một của doanh nghiệp. Có như vậy chúng ta mới tiếp tục đi đúng lộ trình kế hoạch của 2023-2025.

*VOH: Về phía doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi như thế nào khi những tháng cuối năm và sang năm 2023, các đơn hàng xuất khẩu đều dự báo sẽ tiếp tục giảm?

Ông Vũ Đức Giang: Có ba vấn đề: Thứ nhất là sẽ có 3 mục tiêu và giải pháp để tiếp tục cho thành quả cho 2023-2025. Một là kế thừa thành quả trong 2022 đạt được. Thứ hai là chúng ta cũng phải rút ra được bài học và thách thức từ năm 2022. Từ bài học đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, không bị phụ thuộc vào một thị trường hay một số thị trường truyền thống. Thứ ba là chúng ta phải đẩy nhanh quản trị số và kinh tế tuần hoàn để giữ được giải pháp trong chiến lược phát triển bền vững và uy tín của ngành dệt may Việt Nam với thị trường toàn cầu. Đặc biệt, chúng ta phải tuân thủ các điều khoản của các Hiệp định thương mại và tận dụng các điều khoản để lấy được những dòng giảm thuế. Ví dụ, trước đây chúng ta xuất khẩu vào thị trường Canada, New Zealand hay Úc với tỷ trọng rất thấp, nhưng từ khi có Hiệp định thương mại CPTPP có hiệu lực thì những thị trường này bắt đầu là nhập đa dạng hóa trong sản phẩm của chúng ta. Tôi cho rằng, các hiệp định thương mại là một trong những cơ hội thúc đẩy để chúng ta đưa vào giải pháp phát triển bền vững trong mục tiêu 2023-2025.

*VOH: Về phía Chính phủ, ngành dệt may có những đề xuất, kiến nghị như thế nào để hỗ trợ ngành vượt qua khó khăn ?

Ông Vũ Đức Giang: Thứ nhất là vấn đề chính sách, tài chính làm sao hỗ trợ được dòng tiền cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp giải quyết vấn đề chính sách đối với người lao động. Mục tiêu là cho người lao động có thu nhập, nhất là vào những dịp Tết Nguyên đán. Chính điều đó sẽ tạo ra động lực cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững. 

*VOH: Xin cảm ơn ông

Bình luận