Gần cuối năm, không khí sản xuất càng ảm đạm, phản ánh lên kết quả xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 9 đạt 29,82 tỷ USD, giảm 14,6% so với tháng 8, tương ứng giảm 5,1 tỷ USD về số tuyệt đối.
Hầu hết nhóm hàng trong tháng 9 đều suy giảm so với tháng trước đó. Giảm tốc mạnh nhất là dệt may, với 31,9%. Cùng xu hướng đi xuống với mức giảm hai con số còn có gỗ và sản phẩm gỗ (-21%), điện thoại và linh kiện (-18,1%), thủy sản (-13,7%).
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố chỉ số niềm tin về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam đạt 62,2 điểm trong quý III. Chỉ số này giảm 6,4 điểm giảm so với quý II và giảm 10,8 điểm so với quý I.
Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM cho biết, việc xuất khẩu gỗ, dệt may, da giày, điện tử…đang sụt giảm, lượng hàng tồn kho cao do người dân các nước cắt giảm chi tiêu vì lạm phát. Đơn hàng nhập khẩu từ thị trường châu Âu đang sụt giảm.
Trước tình hình kinh doanh khó khăn vì không có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam đành phải cắt giảm số lượng lớn nhân sự, hàng chục ngàn công nhân tại các khu công nghiệp buộc phải về quê sớm hoặc tìm kiếm công việc khác.
Từ tháng 7, đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may yếu đi, hoạt động của doanh nghiệp trong ngành chững lại. Thị trường sợi dự kiến tiếp tục khó khăn vì nhu cầu tiêu thụ giảm nhưng giá xơ năm 2022 lại tăng cao theo biến động của giá dầu và giá bông.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lạm phát ảnh hưởng sức mua của các thị trường Mỹ, EU. Bên cạnh đó, vòng quay hàng tồn kho chậm từ phía khách hàng khiến các doanh nghiệp dệt may Việt chịu áp lực về việc đàm phán lại giá và đơn hàng đã đặt trước.
Đối với ngành thủy sản, TS.Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP nhận định, lạm phát khiến sức tiêu thụ giảm, khủng hoảng khí đốt và năng lượng đẩy giá lưu kho ở Tây Âu tăng cao, cộng với tình trạng cạnh tranh giữa các nước, giá xuất khẩu tôm sẽ gặp khó khăn từ nay đến giữa năm 2023.
Trong khi đó, ngành gỗ nội thất cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp gỗ thiếu đơn hàng, việc làm thiếu vào dịp cuối năm nên dự kiến cho lao động nghỉ Tết kéo dài đến một tháng.
Mới đây, công ty TNHH Tỷ Hùng quận Bình Tân, TPHCM - hoạt động trong lĩnh vực ngành sản xuất giày da xuất khẩu cũng thông báo chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 người lao động. Lý do được nêu ra là vì không có đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Thu Uyên, công nhân may của doanh nghiệp này cho hay: “Những người lớn tuổi bị cho nghỉ hết, công nhân nói với nhau là một người cũ, bây giờ bằng tiền thuê hai người mới. Người mới, sức khỏe tốt hơn, làm việc nhiều hơn mà lại lương ít hơn. Nhưng cũng có người mới vào công ty hai tháng cũng bị cho nghỉ, nhưng họ giữ lại những công nhân làm hàng mẫu, còn mấy khu sản xuất cho nghỉ hết”.
Công ty Samho - chuyên sản xuất và gia công giày thể thao cũng dự kiến sẽ cắt giảm hơn 1.400 lao động do khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Ở góc độ là doanh nghiệp, bà Nguyễn Thành Thủy, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn giải pháp và kỹ thuật Quốc Việt cũng thừa nhận tình hình kinh tế đang rất khó khăn và doanh nghiệp phải chật vật tìm kiếm đơn hàng cho những tháng cuối năm.
Ông Đặng Tấn Đạt, Phó ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động Bình Dương) nhận định, tình hình chung của nhiều nhà máy hoạt động trong ngành gỗ, dệt may, da giày là thiếu đơn hàng nên giảm giờ làm. Một số công ty cho công nhân nghỉ luân phiên các ngày trong tuần. Do đó, công nhân nghỉ Tết sớm và kéo dài cũng là phương án được nhiều nhà máy tính đến. Được nghỉ sớm, công nhân có nhiều thời gian với gia đình và bớt khó khăn đi lại dịp cận Tết.
Mặc dù hiện nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ thiếu đơn hàng, khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu song ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab, đơn vị được EuroCham ủy quyền khảo sát BCI (chỉ số chu kì kinh tế), đánh giá bằng cách kiềm chế lạm phát, cải thiện xếp hạng tín nhiệm và tiếp tục tăng trưởng GDP, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài tìm đến đầu tư và phát triển.
Nhận định trong cập nhật thị trường lao động ngày 27/10, bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc trụ sở Hà Nội của Adecco Việt Nam cũng cho biết lĩnh vực sản xuất điện tử và nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau nhiều tháng gián đoạn vì dịch COVID-19.
Theo chuyên gia, sự hỗ trợ tốt từ chính phủ, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, ít hạn chế COVID, tình hình chính trị - kinh tế ổn định là một số lý do khiến Việt Nam dần trở thành điểm đến lý tưởng để dịch chuyển chuỗi cung ứng.