Việt Nam trở thành quốc gia có thể chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, xuất khẩu đường và ngành mía đường tạo công ăn việc làm cho hơn 350.000 hộ nông dân, đóng góp đáng kể vào công cuộc giảm nghèo của cả nước. Tuy vậy, thực tế những năm gần đây và khó khăn, thách thức trong sân chơi hội nhập thời gian tới đang đặt ngành mía đường Việt Nam vào tư thế phải sẵn sàng đổi mới, chuyển mình một cách mạnh mẽ.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2019-2020, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng nhưng vẫn là năm khá “chật vật” khi bà con nông dân nhiều nơi không mặn mà với cây mía, thậm chí chuyển đổi sang trồng cây khác, dẫn đến diện tích trồng mía giảm hơn 13% và sản lượng giảm trên 14%. Đồng thời, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng dự báo niên vụ 2020-2021 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn lẫn thách thức. Đứng trước bối cảnh như vậy, ngành mía đường trong nước rõ ràng cần phải có cách tiếp cận chủ động hơn nhằm tìm kiếm giải pháp thích ứng và đứng vững trong sân chơi hội nhập.
Ngành mía đường khởi đầu năm 2020 với việc phải thực hiện cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020. Thực ra, theo cam kết thì Việt Nam đã phải bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ngày 1/1/2018 nhưng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nông dân có thêm thời gian để chuẩn bị, Chính phủ đã cho lùi thời hạn 2 năm. Mặt khác, các nước thành viên ASEAN đã đề nghị Việt Nam phải thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN kể từ ngày 1/1/2020. Khó khăn lớn xuất phát từ đây bởi các quốc gia còn lại trên thực tế đã áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mình. Ông Cao Anh Đương – Quyền chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam – nhận định: “Đường nhập khẩu hiện nay tràn ngập thị trường, khiến cho nguồn cung dư thừa, giá bị đẩy xuống thấp khiến cho đường sản xuất gần như không tiêu thụ được. Và nhà máy chỉ còn lựa chọn tồn kho để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền để hoạt động, và hệ quả là ngân sách sửa chữa bảo dưỡng bị thu hẹp, quỹ lương công nhân bị cắt xén phải nợ lương. Thậm chí một số nơi còn chưa thanh toán tiền mía cho nông dân”.
Chính phủ Thái Lan trong tháng 4/2020 đã thông qua dự án tài chính hỗ trợ cho nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất trị giá khoảng 325 triệu đô la Mỹ. Philipines thì có hẳn Luật Phát triển mía đường và quy định áp thuế với nước giải khát chứa đường lỏng. Trong khi đó, Indonesia đưa ra quy định giá mua mía tối thiểu, hỗ trợ nông dân mua phân bón và vay vốn lãi suất thấp cùng quy định giá bán đường trắng tối thiểu. Kết quả là theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong 8 tháng năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu gần 90%.
Nhận thấy rằng về mặt bằng chung, dù ngành mía đường trong nước không hề thua kém trình độ sản xuất với các nước trong khu vực ASEAN nhưng từ bài học hội nhập khi thông qua một hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, dòng đường giá rẻ nhờ trợ cấp tốt hơn đã vào thị trường trong nước.
Tất nhiên, khó khăn của ngành mía đường còn xuất phát từ những vấn đề nội tại. Như về giống mía thì trên 90% giống mía trồng tại Việt Nam đều nhập từ nước ngoài, còn các khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, thu hoạch được đánh giá còn rất hạn chế, gây ảnh hưởng đến năng suất trồng mía. Tuy vậy, nguyên nhân chính vẫn do giá đường xuống thấp khi chịu tác động cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ ngoại nhập đã tạo ra “hiệu ứng domino” khiến nông dân bỏ cây mía, nhà máy không chạy đủ công suất, năng suất mía sụt giảm. Ông Thái Văn Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa – tỉnh Phú Yên – cho biết do thiếu mía nguyên liệu vì giá đường thấp thì các doanh nghiệp bắt buộc phải mua giá mía thấp. “Nếu doanh nghiệp mua mía thấp thì nông dân họ không có lãi, cho nên nông dân phá cây mía và trồng cây khác. Và những vùng đất trồng cây mía không được thì họ bỏ hoang, còn gia đình thì dẫn nhau đi các đô thị lớn để làm thuê, làm mướn", ông Hùng nói.
Đứng trước tình hình như vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng trước hết phải củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết giữa các nhà máy với nông dân. Quá trình này nhiều khả năng sẽ phải loại bỏ những nhà máy hay diện tích trồng mía kém hiệu quả theo quy luật phát triển để có thể hình thành cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, chăm sóc, tưới tiêu đến thu hoạch. Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương cho biết một vấn đề cần phải chú trọng giải quyết: “Hiện nay, rất nhiều nhà máy đường từ việc đường nhập lậu tràn lan, giá bán thấp, dẫn đến nhiều nhà máy đường phải đóng cửa, ngành mía đường bị thu hẹp lại, không những nhà máy đường khó khăn mà công nhân, người lao động và đặc biệt là đối với người dân trồng mía”.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới, hỗ trợ triển khai vùng sản xuất mía trọng điểm và hàng loạt công trình thủy lợi, cơ giới hóa. Quan trọng hơn, ngành mía đường đề xuất với Bộ Công thương chủ động xây dựng và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế.
Về phía các doanh nghiệp, nhà máy đường và các địa phương cũng cần có sự đồng tâm hiệp lực cho nỗ lực hội nhập của ngành mía đường Việt Nam. Theo đó, nhóm đối tượng này sẽ đóng vai trò phát triển cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường. Nói cách khác, để có thể ứng phó với sản phẩm đường nhập khẩu thì trước hết chính khối liên kết sản xuất trong nước phải thật vững mạnh, tránh tình trạng vì hám lợi mà tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, dẫn đến rạn nứt trong khối liên kết này. Ông Lê Bá Chiều – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn – cho biết: “Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất từ đầu tư các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới, về cơ giới hóa đồng bộ, các chính sách, và đặc biệt là quan tâm đến lợi ích của người nông dân để khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu mía; Nâng cao năng suất chất lượng, và cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người nông dân để vùng nguyên liệu có thể phát triển ổn định và bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 28 ngày 14/07/2020 về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, Bộ ngành chức năng cần tìm “tiếng nói chung” với hiệp hội, doanh nghiệp để tổ chức hệ thống tiêu thụ và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm mía đường Việt Nam. Đây cũng là vấn đề được ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – nêu ra tại Hội nghị Tổng kết vụ sản xuất mía đường 2019-2020: “Kể từ khi ban hành ra Chỉ thị số 28 thì ít nhất hai Bộ chủ động đầu tiên. Theo đó, Bộ Nông nghiệp ban hành kế hoạch hành động, 09 nội dung lớn, từng Vụ, từng Cục làm gì đều có thời gian quy định, có thời gian cụ thể. Bộ Công thương có Chỉ thị 11 cũng tương đương như thế”.
Trên cơ sở Chỉ thị 28 của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động với nhóm giải pháp trực tiếp bao gồm 8 nhiệm vụ dành cho hiệp hội cùng các doanh nghiệp cơ cấu toàn diện quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng triển khai nhóm giải pháp gián tiếp thông qua các Bộ ngành chức năng như những “công cụ” hỗ trợ, làm bàn đạp để thực hiện chiến lược cho ngành mía đường niên vụ 2020/2021 và chủ động hội nhập bền vững lâu dài.