Ngành rau, hoa quả Việt Nam dự kiến xuất khẩu đạt 6-7 tỷ đô la Mỹ trong năm 2024

VOH - Ngành rau, hoa, quả Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 6,5 đến 7,5 tỷ đô la Mỹ trong năm nay, đảm bảo được nguồn cung ổn định về giá cả, chất lượng cho thị trường trong nước.

Ngành này cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường lớn. Để tận dụng được cơ hội này, các nhà vườn, doanh nghiệp phân phối xuất khẩu cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ, cập nhật xu thế thị trường phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn khó tính. 

Đem công nghệ cao và những hạt giống phù hợp với vùng nhiệt đới của Hà Lan đến với các nước Đông Nam Á, ông Kang Chengrui, Tổng Giám đốc East West Seed - Hai Mũi Tên Đỏ - cho hay, những hạt giống chất lượng cao nhất của East West Seed đã đến với người nông dân Việt Nam trong những năm qua, bao gồm: Dưa leo, cà chua, bầu bí, đu đủ, rau cải, bắp, xà lách, dưa hấu, dưa lê… chiếm 40% thị phần tại Việt Nam.

Ông Kang Chengrui đánh giá: "Thị trường rau hoa quả ở Việt Nam phát triển rất nhanh. Những năm gần đây, xu hướng của thị trường chuyển từ chất lượng trung bình sang những giống chất lượng cao có liên quan đến ăn uống và sức khỏe của người dân. Công ty chúng tôi sản xuất những hạt giống chất lượng tốt hơn cung cấp cho bà con nông dân, phù hợp với xu hướng đang phát triển trong tương lai của thị trường Việt Nam".

Ở Việt Nam, diện tích canh tác sản xuất cây ăn quả khoảng 1,2 TỶ hecta, trong đó, diện tích sản xuất rau khoảng 1 triệu hecta. Tập trung một số loại cây nhiệt đới như chuối, xoài, bưởi, cam, sầu riêng, nhãn, mít, thanh long… Việt Nam còn có lợi thế với các loại giống cây ăn quả phong phú, giúp thuận lợi cho sản xuất.

Đặc biệt, có rất nhiều giống đặc sản tiềm năng, các loại quả lạ vùng nhiệt đới mà các nước châu Âu, Bắc Mỹ cũng như những nước phát triển rất thích.

Về chế biến rau quả, hiện nay tổng công suất các doanh nghiệp có thể chế biến là khoảng 12 triệu tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ chế biến sâu được trên 446.000 tấn. Như vậy còn dư địa rất lớn để hợp tác giữa các doanh nghiệp của Hà Lan và Việt Nam trong việc đầu tư dây chuyền sản xuất vào chế biến sâu.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Sự phát triển của ngành rau quả là sự phát triển đặc biệt trong ngành nông nghiệp của Việt Nam. Hơn 10 năm liên tục, kim ngạch rau hoa quả giữ mức bình quân 17% đến trên 20%.

Chúng ta đang đề ra chiến lược phát triển và xuất khẩu rau quả cho đến năm 2030 tập trung vào 13 mặt hàng trái cây là chủ lực, có giá trị cao. Thanh long, sầu riêng là hai mặt hàng mà có giá trị rất cao. Chuối của Việt Nam hiện nay sản lượng đến hơn 2,3 triệu tấn/năm".

Ngành rau, hoa quả Việt Nam dự kiến xuất khẩu đạt 6-7 tỷ đô la Mỹ trong năm 2024 1
Ảnh minh họa: Lệ Loan

Với sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam, ông Daniel Stork, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TPHCM kỳ vọng sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển bền vững của ngành rau hoa quả tại Việt Nam, giúp giảm thiểu diện tích đất canh tác, sử dụng tài nguyên đất và nước hiệu quả hơn, giảm lãng phí thực phẩm, áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững.

Ông Daniel Stork cho hay: "Trong năm 2024 này, đánh dấu 10 năm Hiệp định đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hà Lan. Tuần tới, chúng ta sẽ chào đón chuyến thăm chính thức của Nhà vua và Nữ hoàng Hà Lan tới thăm Việt Nam với sứ mệnh về kinh tế. Chuyến thăm này cũng đã chính thức một lần nữa khẳng định mối quan hệ song phương, hợp tác bền vững giữa hai nước Hà Lan và Việt Nam".

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả Việt Nam đạt 5,7 tỷ đô la Mỹ. Những ngày đầu năm nay, ngành rau hoa quả tiếp tục đà tăng trưởng, giá trị xuất khẩu tăng hơn 112% so với tháng 1/2023. Trị giá xuất khẩu tháng 1/2024 của các sản phẩm rau hoa quả đã đạt 510 triệu đô la Mỹ, tăng gần 25% so với tháng 12/2023.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: "Đầu năm nay, chúng ta gặp rất nhiều thuận lợi, mức tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2024 này, tỶ lệ tăng trưởng kim ngạch chắc cũng khoảng 20-40%. Chúng ta phải cố gắng giữ vững thương hiệu, giữ vững chất lượng".

Tuy kết quả đáng mừng, song ngành rau quả Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế và phát triển kém bền vững, trong đó, vấn đề là Việt Nam đa số xuất khẩu tươi, những hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật, về an toàn thực phẩm, công nghệ về bảo quản, chế biến cũng còn nhiều hạn chế… Do đó, việc xuất khẩu đến các thị trường lớn bán được giá cao như Mỹ, Châu Âu chưa đạt như kỳ vọng.

Các thị trường lớn, cao cấp đòi hỏi rất khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là dư lượng phân, thuốc, áp dụng phương thức canh tác bảo vệ môi trường bền vững. Mặt khác, sử dụng công nghệ bảo quản để tránh tỷ lệ hao hụt lớn, hợp tác về khoa học công nghệ với các doanh nghiệp nước ngoài, chọn tạo giống, canh tác an toàn và quản trị để phát huy được tiềm năng của ngành hàng này.

Bình luận