Số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả công bố dựa trên tính toán từ hải quan. Đây cũng là tháng đầu năm có tăng trưởng cao nhất so với các năm trước đây.
Xuất khẩu rau quả tháng đầu năm tăng mạnh do các sản phẩm sầu riêng, chuối, thanh long được Trung Quốc mua nhiều.
Hiện các đợt lạnh liên tục khiến nguồn cung chuối nội địa của Trung Quốc hạn chế. Nhiệt độ xuống thấp, trái chuối trên cây bị bầm đen không bán được. Thị trường Trung Quốc khan hàng giúp hoạt động xuất khẩu chuối Việt Nam thuận lợi hơn.
Theo truyền thống, người Trung Quốc rất thích dùng trái thanh long làm vật phẩm thờ cúng trong Tết nên nhu cầu tăng cao trong khi nước này đang hết mùa vụ thanh long.
Mùa tiêu thụ thanh long của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc thường kéo dài từ đầu năm đến cuối tháng 5 hàng năm.
Năm nay ngoài hoạt động xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, việc Trung Quốc mở cửa cho dưa hấu và các loại trái cây đông lạnh và chế biến của Việt Nam sẽ giúp kim ngạch đến 6,5 tỷ USD. Hiện nay chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng được nâng cao và bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường.
Trong chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản tiềm năng của Việt Nam, gồm dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi của Việt Nam xuất sang nước này. Cũng trong chuyến thăm này, 2 bên đã ký nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ, EU cũng sắp mở cửa thêm cho nhiều loại trái cây Việt Nam. Nhà chức trách đang đàm phán mở cửa thị trường chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ.
Với kết quả ấn tượng trong năm ngoái và những dự báo lạc quan, nhiều chuyên gia nhận định kết quả xuất khẩu rau quả năm 2024 có thể lập kỷ lục mới với con số dự tính đạt, thậm chí vượt con số 6 tỷ USD.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam với kim ngạch năm 2023 đạt 3,64 tỷ USD, tăng tới 139,5% so với năm 2022 và chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước trong năm ngoái.