Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản diễn ra vào sáng nay 11/10 tại TPHCM.
Có tiêu cực trong vấn đề “dìm giá”
Đề cập đến bất cập trong quy định “người có tài sản được tổ chức bán đấu giá tài sản”, bà Võ Thị Như Hoa – Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng nêu một nghịch lý có thật, có trường hợp người có tài sản bán đấu giá lại muốn được bán giá tài sản đó thấp.
Phân tích về điều bất hợp lý này, bà Hoa cho biết, do người có tài sản này đã thế chấp tài sản ở ngân hàng. Khi bán giá thấp, người này được lợi từ người mua tài sản, nhưng ngân hàng lại bị thiệt thòi. Chẳng hạn, giá trị tài sản đó khoảng 20 tỷ đồng nhưng khi khách hàng đó đem thế chấp tài sản này ở ngân hàng tới 50 tỷ đồng, trong quá trình biến động trượt giá vì nhiều lý do khác nhau thì hiện tại tài sản đó chỉ còn giá trị khoảng 20 tỷ đồng.
Như vậy, khách hàng đó được quyền bán tài sản, nhưng lại bán giá thấp với khoảng 20 tỷ đồng thôi, sẽ được hưởng lợi từ những người mua lại tài sản. Trong khi ngân hàng thì lại mất tới 30 tỷ đồng. Bà Hoa cho rằng, trong khi ngân hàng có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản đó nhưng lại không có quyền quyết định trong vấn đề lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản dẫn đến có tiêu cực trong vấn đề “dìm giá”.
“Theo quy định của Luật hiện nay thì ưu tiên người có tài sản, do vậy, chúng ta quy định bảo vệ tài sản và ưu tiên cho người có tài sản không phải lúc nào cũng phù hợp”- bà Hoa nói.
Các bộ, ngành liên quan có quyền xử lý tài sản bán đấu giá.
Liên quan đến những tài sản cổ phần hóa, nhưng giá trị còn rất thấp như máy móc, hoặc những tài sản nếu bán đi, chi phí sẽ không bằng chi phí phải bỏ ra đấu giá thì xử lý như thế nào, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng cục bổ trợ Tư Pháp cho biết, vấn đề này đã được xử lý theo pháp Luật về quản lý sử dụng tài sản nhà nước. Cụ thể, điều 19 của nghị định 52/2009 hướng dẫn quản lý sử dụng tài sản nhà nước.
Theo đó, Bộ Tài chính có quyền xử lý tài sản trong trường hợp đất đai gắn liền với nhà xưởng trên đất. Các Bộ trưởng, các bộ chuyên ngành cũng có quyền xử lý tài sản trong trường hợp tài sản được giao cho các bộ này xử lý.
Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng cục bổ trợ Tư Pháp khẳng định, Luật Đấu giá tài sản là Luật về trình tự và hình thức, không thể quy định được tài sản nào bán đấu giá, tài sản nào không.
Có 3 phương thức bán là bán chỉ định, bán đấu giá và các phương thức khác. Như vậy, Luật Đấu giá không quy định trong trường hợp nào thì bán chỉ định, bán đấu giá. Nhưng nếu pháp luật quy định là tài sản đó phải bán đấu giá thì sẽ được thực hiện theo trình tự thủ tục tại Luật này. Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng cục bổ trợ Tư Pháp (Bộ Tư Pháp) khẳng định, đây là Luật về trình tự và hình thức, nên không thể quy định được tài sản nào bán đấu giá, tài sản nào không bán đấu giá.
Tương tự đối với quyền sử dụng đất, các đại biểu nêu là nên quy định rõ tài sản quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà nước giao đất, cho thu đất. Trường hợp này theo bà Mai không phải lúc nào cũng bán đấu giá. Tại điều 118 Luật đất đai có quy định, chỉ có trường hợp nhà nước giao đất cho thu tiền sử dụng đất dể xây dựng nhà ở để bán và cho thuê thì mới bán đấu giá. Còn các trường hợp khác cũng giao đất thu tiền sử dụng đất và cũng cho thuê đất nhưng không bán đấu giá thì thực hiện theo luật về đất đai.
“Chính vì vậy, trong dự thảo cũng không quy định những vấn đề mà các luật về nội dung, chuyên ngành đã quy định để tránh chồng chéo. Hiện nay có đến 14, 15 loại tài sản trong luật chuyên ngành mà theo quy định của pháp luật là để bán đấu giá, nhưng Luật Đấu giá không thể gom vào hết”