Nghiên cứu các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố Hồ Chí Minh

(VOH) - Hội thảo mang tên “Phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030: Thực trạng và triển vọng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp Lần thứ tư”.

Hoạt động diễn ra tại Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm với nhiều bài tham luận được trình bày là kết quả của cuộc nghiên cứu về các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay.

Từ Quyết định 188/2004/QĐ-TTg ngày 01/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ đã xác lập tầm quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu tại TPHCM.

Ngày 15/10/2018, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký ban hành quyết định số 4544/QĐ-UBND về danh mục “nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020”. Theo đó, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực được xác định là: bốn ngành công nghiệp trọng yếu (Cơ khí, Điện tử, hóa dược – cao su – nhựa, chế biến lương thực – thực phẩm) và ngành công nghiệp truyền thống là dệt may.

Ảnh: Văn San

Điều này cho thấy sự quan tâm về mặt chủ trương và chính sách của chính quyền thành phố trong việc tìm hướng đi để khẳng định vị thế của bốn ngành công nghiệp trọng yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, hội nhập kinh tế thế giới và đặc biệt là nỗ lực để thích nghi với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vốn nhiều cơ hội lẫn thách thức.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội nhận định: “Cuộc cách mạng công nghiệp Lần thứ tư đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước, các ngành trọng điểm sẽ có những thay đổi to lớn khi đón nhận và áp dụng không gian số trong quản lý, vận hành và sản xuất.

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ tạo nên những thách thức cho sự phát triển các ngành kinh tế trọng điểm hiện nay khi mà nền kinh tế nước ta xuất phát từ sản xuất thủ công, gia công là chủ yếu. Việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi, phải thích ứng mà Chính phủ cũng phải thay đổi bằng các chính sách thiết thực nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở cửa đón nhận kỷ nguyên số”.

Qua các bài tham luận được trình bày tại hội thảo đã khái quát lên một thực trạng phát triển các ngành công nghiệp trong yếu hiện nay. Theo đó, thành phố đã có nhiều Chương trình kích cầu đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệ; kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các ngành bắt nhịp với công nghệ số, đặc biệt là các chính sách về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng các chính sách giáo dục, bên cạnh đó đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ,  nghiên cứu và phát triển đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực nhằm đạt hiệu quả cao trong chuyển biến kinh tế.

Bốn ngành công nghiệp trong yếu đều có tiềm năng và cơ hội rất lớn trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt là ngành Điện tử- Công nghệ thông tin sẽ là ngành nền tảng, là ngành có triển vọng và có thể sẽ là ngành dẫn đầu trong việc thay đổi để có thể đáp ứng nhu cầu của Cách mạng công nghiệp Lần thứ tư.

Cuộc Hội thảo “khơi mào” cho nhiều ý tưởng, nhiều cuộc nghiên cứu trong thời gian tới để có thể tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn “Thành phố và cả doanh nghiệp cần làm gì để có thể phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp Lần thứ tư".