Người tiêu dùng thành phố hào hứng “soi” nguồn gốc thịt heo

(VOH) - Sau hơn 4 tháng chuẩn bị khẩn trương, vài lần phải dời kế hoạch triển khai, người tiêu dùng tại TP đã có thể truy xuất nguồn gốc thịt heo mà mình mua tại các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Coopmart, SATRA, BigC, Lotte mart, Aeon…

Theo ghi nhận, tại siêu thị Coopmart Foodcosa (quận Gò Vấp), mỗi vỉ thịt heo trong siêu thị đều dán tem điện tử để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc.

Để thực hiện truy xuất nguồn gốc miếng thịt heo mình mua, người tiêu dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng có tên TE-FOOD trong hệ thống App store hoặc Google store trên điện thoại để sử dụng. Phần mềm này được cung cấp miễn phí.

Khách hàng thử tra cứu nguồn gốc thịt heo tại siêu thị (Ảnh: Bá Nam)

Theo ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Coop, để thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc thịt heo bán trong hệ thống, siêu thị đã hợp tác với nhà cung cấp và có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng.

Ông Đức cho biết: “Để triển khai chương trình, chúng tôi đã tập huấn và triển khai chặt chẽ cho cán bộ nhân viên, cũng như đầu tư các trang thiết bị để phục vụ người tiêu dùng tại tất cả các điểm bán. Người tiêu dùng khi mua thịt heo có thể truy xuất tại các máy cố định được đặt gần quầy thịt heo ở các điểm bán của Saigon Coop. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn được hướng dẫn để truy xuất thông qua các ứng dụng tải về qua 2 hệ điều hành Android và IOS để có được những thông tin rõ ràng, chi tiết”.

Dù còn bỡ ngỡ với việc truy xuất nguồn gốc thịt heo trên điện thoại thông minh, hay thao tác với máy truy xuất đặt tại các quầy thịt của siêu thị nhưng đa số người tiêu dùng đều tỏ ra hào hứng với việc biết được nguồn gốc sản phẩm mình mua thông qua ứng dụng này.

Chị Nguyễn Lan Anh – quận Gò Vấp cho hay, từ khi biết cách truy xuất nguồn gốc thịt heo, chị yên tâm hơn hẳn về chất lượng sản phẩm mà mình mua. Việc thao tác cũng khá dễ dàng với một chiếc điện thoại thông minh.

“Tôi kinh doanh thực phẩm ở trường mầm non nên các cấp cũng yêu cầu thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, cho nên nếu được truy xuất rõ ràng như vậy thì tôi cảm thấy rất yên tâm. Tôi cũng mong không chỉ thịt heo mà các loại thực phẩm khác cũng có thể truy xuất nguồn gốc được” – chị Lan Anh chia sẻ.

Dưới góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đánh giá: “Việc người tiêu dùng hiểu được nguồn gốc sản phẩm mình mua là rất quan trọng và cần thiết. Việc truy xuất thịt đáp ứng được nhu cầu của người dân, người tiêu dùng như chúng tôi là muốn biết được sản phẩm mình mua có an toàn hay không, những sản phẩm này đã qua kiểm dịch chưa và đã được kiểm soát như thế nào. Đây là những thông tin hết sức quan trọng với chúng tôi”.

Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo giai đoạn 1 được TP triển khai dựa trên nền tảng quản lý truy xuất theo công nghệ Châu Âu. Hệ thống này cho phép quản lý toàn bộ chuỗi thông tin về nguồn gốc thịt heo từ khi rời khỏi trang trại đến bàn ăn.

Theo đó, heo khi xuất khỏi trang trại sẽ được đeo vòng nhận diện có mã QR tích hợp thông tin về trang trại này. Tại mỗi khâu sau đó như giết mổ, kiểm dịch thú y, đưa đến các chợ đầu mối hay hệ thống phân phối bán lẻ đều được các chủ thể liên quan kích hoạt vòng nhận diện để cập nhật thông tin lên hệ thống TE FOOD.

Người tiêu dùng có thể tải ứng dụng TE FOOD và sử dụng phần mềm này để truy xuất nguồn gốc thịt heo dựa trên tem dán có in mã QR trên sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, trong 2 tháng đầu, người tiêu dùng sẽ được hỗ trợ chi phí phát sinh trong thực hiện đề án như tem, vòng nhận diện…

“Vì đang trong giai đoạn thử nghiệm và đồng thời chúng tôi cũng đang phối hợp với các trang trại, các cơ sở kinh doanh cũng như đơn vị phân phối để đảm bảo nguồn hàng, thịt heo cũng là mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn và giá được quy định trong chương trình nên mức giá sẽ được giữ ổn định” – ông Hòa cho hay.

Sau khi hết hỗ trợ, chi phí phát sinh cao nhất trong đề án khoảng 2.000 đồng/1kg thịt heo. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc Saigon Coop cho hay, đơn vị sẽ hỗ trợ người tiêu dùng ở mức tốt nhất có thể để đảm bảo nguồn thịt sạch với chi phí hợp lý.

Theo thông tin từ Sở Công thương, đề án đã nhận được sự tham gia của 15 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại, có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ cho thị trường thành phố, trong đó có nhiều đơn vị có thương hiệu và quy mô lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín.

Đối với hệ thống phân phối truyền thống, hiện có 2 chợ đầu mối kinh doanh thịt heo là Bình Điền và Hóc Môn đã đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường thành phố. 4 chợ lẻ triển khai thí điểm đợt đầu tiên là Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình.

Đến nay gần 100% tiểu thương kinh doanh thịt heo tại 4 chợ trên đã đăng ký tham gia. Sắp tới, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được triển khai tại tất cả các chợ lẻ của TP từ ngày 1/3/2017.

Có thể nói, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo trong thời điểm báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, hữu ích cho người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là 85% lượng thịt heo của thành phố do các tỉnh, thành khác cung cấp nên phải triển khai đồng loạt ở các địa phương này thì mới đảm bảo chất lượng.

Đây được xem là bước khởi đầu để xóa bỏ tình trạng vàng thau lẫn lộn trên thị trường thịt heo, và trong tầm nhìn xa hơn là chuẩn bị cho sự cạnh tranh sắp tới, khi mà Việt Nam đã ký các hiệp định tự do thương mại với khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và liên minh châu Âu.