Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở thị trường tiêu thụ lớn là TPHCM. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân, đến đơn vị thu mua cũng như các nhà phân phối. Một nguy cơ lớn hơn là người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất hoang mang, lo lắng không biết dịch bệnh đến khi nào mới kết thúc nên có tâm lý e ngại tái sản xuất, ngại tái đàn dẫn đến nguy cơ dứt gãy chuỗi hàng hóa vào dịp cuối năm, Tết Nguyên Đán.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng chung đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với ngành nông nghiệp, khó khăn thấy rõ nhất là đến mùa vụ thu hoạch nông sản nhưng người nông dân, doanh nghiệp sản xuất thiếu nhân công ra đồng để thu hoạch. Nếu có thu hoạch được thì cũng khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa. Nếu đã tìm được đơn vị vận chuyển thì lại khó khăn trong việc tìm đầu ra tiêu thụ. Khó khăn chồng khó khăn.
Hàng hóa nông sản dồn ứ
Theo báo cáo của nhiều tỉnh thành, hiện nay hàng hóa nông sản dư thừa khá nhiều nhưng gặp khó trong việc tiêu thụ, nguy cơ dồn ứ vì sức mua giảm thấp, nhiều kênh phân phối bị gián đoạn. Tại Đồng Nai, theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho hay, hiện nay toàn tỉnh dư rau, củ, quả khoảng 1.000 tấn, sản phẩm chăn nuôi dư gần 500.000 con cút, gà lông trắng. Riêng thủy sản dư khoảng 1.000 tấn. Tại tỉnh Bình Dương cũng gặp tình trạng tương tự, đặc biệt là đối với gà lông trắng.
Còn ông Phạm Văn Bông - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết khó khăn nhất vẫn là tiêu thụ gà, ngoài ra nhu cầu về trứng cũng giảm. Hiện mỗi ngày Bình Dương tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200 ngàn quả trứng cút, nguy cơ không tái đàn là rất lớn. "Nói về tiêu thụ sản phẩm hàng tồn, thì hiện nay hầu hết chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản trên cả nước cũng như thị trường Bình Dương bị đứt gãy là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay hàng tồn về lĩnh vực trồng trọt thì rau ăn lá bán rất khó, đàn gà lông trắng ở Bình Dương còn khoảng 1,2 triệu con. Chính vì vậy, qua tìm hiểu, một số trang trại có xu hướng qua đợt này thì không tái đàn trong thời gian tới. Việc này rất là khó khăn", ông Bông cho biết thêm.
Trước tình hình khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất có giải pháp tạm thời án binh, tạm không thu hoạch để kéo dài thời gian chờ dịch kết thúc. Nhưng càng chờ thì sản phẩm chăn nuôi càng quá lứa, sản phẩm trồng trọt thì quá hạn thu hoạch, hoặc kho chứa thì đầy nhưng dịch bệnh thì chưa biết khi nào mới chấm dứt. Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An, một đơn vị chuyên xuất khẩu chuối, bưởi lớn ở miền Tây cho biết: "Ở Bình Dương, công ty còn 200 tấn bưởi chưa tiêu thụ được, chúng tôi có kho bảo quản riêng nhưng cũng có giới hạn. Nói về cây ăn trái thì ở Bình Dương, Đồng Nai số lượng tồn dư hàng ngàn tấn, kể cả Bình Phước; như chuối, cứ 1 tuần lễ như vậy là ra mấy chục container".
Không chỉ ngành chăn nuôi, trồng trọt mà hoạt động của ngành thủy sản, trong đó xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng không kém. Trong tháng 8 năm nay, toàn ngành chỉ đạt khoảng 600 triệu đô la Mỹ, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm hầu hết ở các sản phẩm chủ lực. Nếu không có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nguy cơ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành này là rất lớn và khó có thể đạt được các mục tiêu về sản lượng, giá trị xuất khẩu trong năm 2021 như đã đề ra.
Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc tập đoàn thủy sản Minh Phú, một doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam dự báo nguy cơ đứt gãy ngành hàng tôm sau dịch bệnh là rất lớn. "Tình hình giãn cách như vậy là khó khăn. Bây giờ, nhà máy không sản xuất được cho nên không mua tôm được, rồi việc vận chuyển tôm từ vùng nuôi về nhà máy cũng rất khó khăn. Trước tình hình này, bà con nuôi tôm là không thả giống. Không thả giống là dự kiến cuối tháng 9 này, tháng 10, tháng 11 và tháng 12. Ba tháng 10, 11, 12 là thời điểm tiêu thụ tôm lớn của thị trường, thì lại bị thiếu hụt. Về phía nhà máy, khi mà chúng ta chống dịch tốt, hết giãn cách, sản xuất lại bình thường thì sẽ bị thiếu nguyên liệu rất trầm trọng", ông Quang nói.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tình trạng khó khăn trong xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá tra cũng gây ảnh hưởng nhiều đến người nông dân. Đến lứa không xuất được, không tiêu thụ được thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn của nhà sản xuất, đặc biệt là khó khăn trong tái sản xuất trong thời gian tới.
Ông Trương Kiến Thọ chia sẻ thêm: "Vấn đề thủy sản khó nhất của An Giang là cá tra. Vấn đề là các nhà máy không xuất được cho nên lượng cá tra đang chuẩn bị quá lứa rất lớn. Vấn đề thứ 2 là hậu Covid-19, chúng ta phải có nguồn cung cấp khi ổn định. Như vậy, người dân hiện nay đang rất "đuối", đang không có nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất. Nếu có cơ chế để ngân hàng dành một nguồn vay hỗ trợ tái đầu tư sản xuất cho người nông dân như là trồng lại, nuôi lại thì hy vọng tới đợt Tết thì có nguồn cung nông sản tốt hơn".
Trong thời gian qua, Việt Nam đang gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch trên cả nước, từ đây cũng gây ra nhiều trở ngại trong các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán lâu dài, thì cần có giải pháp cụ thể để trở lại trạng thái bình thường mới bền vững. Nếu không giải quyết tốt việc kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh thành thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất thực phẩm, nông, lâm thủy sản là rất lớn và nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm là khá cao. Rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành ở các địa phương, trong đó, cần tập trung hỗ trợ kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ về lãi suất, thuế, nguồn vay hỗ trợ tái sản xuất cho người nông dân, cho các đối tượng tham gia trong chuỗi sản xuất, đặc biệt là những người nông dân trực tiếp sản xuất, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất nông nghiệp được tiếp cận và tiêm vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất có thể để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Một điều quan trọng nữa là các chính sách cần đồng bộ và đơn giản hóa các thủ tục để hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi giữa các tỉnh, thành với nhau, tránh tình trạng "phép vua thua lệ làng".