Nhà đầu tư cần nhận diện rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp

(VOH) - Trong bối cảnh tiêu cực bởi dịch COVID-19, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá ổn định.

Điều này thể hiện qua tổng giá trị phát hành 4 tháng qua đạt trên 58.000 tỷ đồng, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành chủ yếu các kỳ hạn 1,2 năm hoặc 5 năm với lãi suất cao. Sự gia tăng đáng kể của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng vào những lĩnh vực không ưu tiên được siết chặt, đã dấy lên lo ngại về tính an toàn của kênh đầu tư vốn được xem là hấp dẫn về lợi nhuận này.

Trong các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn của nhà đầu tư, nhóm doanh nghiệp bất động sản trở thành nhóm doanh nghiệp huy động lượng vốn lớn nhất trên thị trường trái phiếu, chiếm tới 49,1% trong tổng số phiếu được phát hành, tăng rất mạnh so với mức khoảng 16% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, có những doanh nghiệp ghi nhận dư nợ trái phiếu phát hành cao hơn từ 30 - 47 lần vốn tự có.

Trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp BĐS

Nhóm doanh nghiệp bất động sản trở thành nhóm doanh nghiệp huy động lượng vốn lớn nhất trên thị trường trái phiếu (Ảnh: SGGP)

Theo Bộ Tài chính, hiện nay các doanh nghiệp vẫn chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ, một số doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư khi tham gia huy động vốn trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp phát hành chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành.

Việc nhà đầu tư cá nhân vốn hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin cũng như khả năng phân tích tài chính của doanh nghiệp tăng mua trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn không ít rủi ro. 

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com cho rằng: “Nhìn vào dòng tiền, nhìn vào các dự án rồi khả năng bán hàng, thì sẽ cho đáp án là có nên đầu tư mua trái phiếu của doanh nghiệp đó hay không. Lời khuyên của tôi là việc đầu tư trái phiếu cũng không khác gì so với đầu tư cổ phiếu. Vì vậy, nên thực tế xem doanh nghiệp đó triển khai dự án nào, sự phản hồi của khách hàng ra sao, liệu có rủi ro nào về mặt pháp lý hay không. Quan trọng nhất vẫn là phải theo sát doanh nghiệp, hiểu rõ doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định”.

Rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải là: Doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, không thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu. Doanh nghiệp không thực hiện cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn.

Do khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động, nên các nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết: “Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những phương thức mà Hiệp hội rất coi trọng. Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp làm thế nào có phương án kinh doanh khả thi. Có như vậy, người dân thấy được triển vọng và hiệu quả khi họ mua trái phiếu doanh nghiệp”.

Với doanh nghiệp, đây là một kênh huy động vốn minh bạch, hợp pháp. Dòng tiền đầu tư từ nguồn vốn xã hội sẽ giúp doanh nghiệp giảm rủi ro và bớt phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng đang ngày càng hạn chế. Tuy nhiên, để loại hình này phát triển bền vững, cần có những quy định của pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời loại bỏ doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “chộp giật”, làm méo mó thị trường.

Ông Nguyễn Thiên Quân, Tổng Giám đốc Công ty phát triển nhà Đông Nam bộ cho rằng: “Thực ra trái phiếu doanh nghiệp là một kênh phụ trợ, nhưng hiện nay lại trở thành kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp để huy động các nhà đầu tư hỗ trợ vốn phát triển dự án. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên tập trung vào những công ty có sự án thực, có quy mô và định hướng phát triển rõ ràng. Trên thực tế thì chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có khả năng huy động vốn của các nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp”.

Về lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây.

Một loạt quy định mới về điều kiện phát hành trái phiếu đã được bổ sung. Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, tương ứng mỗi doanh nghiệp chỉ có thể phát hành 1 - 2 đợt mỗi năm. Dù doanh nghiệp có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt, nhưng quy định mới cũng yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.

Từ nay đến khi Nghị định có hiệu lực, rất có thể sẽ có một cuộc chạy đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin và nhận diện được rủi ro khi tham gia vào thị trường này.

Phải công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu tối thiểu 3 ngày - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trái phiếu là gì? So sánh cụ thể rủi ro đầu tư trái phiếu và cổ phiếu - Trái phiếu là một hình thức vay vốn dài hạn, do các doanh nghiệp, các tổ chức có thẩm quyền như Kho bạc Nhà nước, hoặc Chính phủ phát hành.