Nhân rộng mô hình hay về nâng cao chất lượng bữa ăn công nhân

(VOH) - Ngày 25/2/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra Nghị quyết về bữa ăn ca của người lao động với mục tiêu: Các công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất là 15.000 đồng, khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức bữa ăn ca cao hơn.

Nghe nội dung bài viết

Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên sẽ thực hiện khởi kiện giám đốc doanh nghiệp nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của đoàn viên và người lao động. Sau 1 năm Nghị quyết đi vào cuộc sống, chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động được quan tâm thực hiện như thế nào?

Bữa ăn giữa ca của người lao động Công ty CP Himlam Land. Ảnh: NLĐ

Chất lượng bữa ăn khá hơn

Trước đây, tại công ty Hong IK Vina - khu chế xuất Tân Thuận, vì điều kiện chưa cho phép, công ty phải đặt suất ăn chế biến sẵn từ bên ngoài. Sau một thời gian, công nhân phản ánh không đạt yêu cầu, chất lượng không đảm bảo, món ăn không được thay đổi thường xuyên. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho 1.500 công nhân đang làm việc tại đây, công ty đã đầu tư thành lập khu bếp, thuê người về nấu ăn. Đầu tuần, nhà bếp sẽ công bố thực đơn cho cả tuần.

Khi công nhân có bất cứ phản hồi nào về món ăn, công ty yêu cầu thay đổi để món ăn được đa dạng hơn, hợp khẩu vị hơn. Nguồn thực phẩm luôn được công ty giám sát, kiểm tra qua các chứng từ, hóa đơn. Hàng ngày, thực phẩm được lưu mẫu hai lần sáng và chiều, thức ăn luôn đầy đủ thịt và cá, cân đối chất dinh dưỡng, công nhân có nhu cầu ăn chay cũng được công ty đáp ứng. Mỗi ngày, công nhân còn nhận được 1 hộp sữa bổ sung bồi bổ sức khỏe. 

Hài lòng về chất lượng suất ăn tại công ty, công nhân Nguyễn Hoàng Phúc, chia sẻ: "Em thấy món ăn ở đây rất phong phú, đa dạng, vừa có rau, thịt, cải. Mỗi ngày công ty có những món khác nhau để cải thiện chất lượng cho suất ăn của công nhân, thứ bảy cuối tuần còn có thêm sữa chua để cải thiện sức khỏe cho công nhân".

Còn tại công ty Mtech Việt Nam, cách đây 8 năm đã từng xảy ra ngộ độc với 80 công nhân có biểu hiện đau bụng, nôn ói, chóng mặt sau khi dùng suất ăn. Từ sự cố đó, công ty đã chủ động thay đổi đơn vị cung cấp và tiến hành xây dựng quy trình chế biến thức ăn tuân thủ quy trình 3 bước 4 sổ, cấp dưỡng kiểm tra nguồn thực phẩm vào, lưu mẫu thức ăn đầy đủ theo quy định để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty cũng tiến hành trao đổi với đơn vị cung cấp tìm nguồn thực phẩm an toàn. Hiện nay, giá trị một suất ăn tại công ty là 18.000 đồng.

"Với giá thị trường thực phẩm hiện nay, một suất ăn giá 18.000 đồng chưa phải là cao, nhưng công ty đã trao đổi với nhà cung cấp xây dựng định mức chuẩn về thực phẩm cho 1 bữa ăn. Tuy nhiên, công ty không ham đạt định lượng mà quên đi chất lượng nên hàng tháng trao đổi với nhà thầu về các ý kiến nhằm cải tiến những việc đó. Quan trọng nhất là cũng đã tìm kiếm những nguồn thực phẩm đảm bảo cả về giá và chất lượng ổn định", ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Phòng Quản lý công ty, cho biết thêm.

Việc các doanh nghiệp chủ động xây dựng các bếp ăn tập thể để nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động như 2 công ty vừa kể trên sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra vì quy trình chế biến và nguồn nguyên liệu đầu vào của suất ăn được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến thời điểm này, gần 20.000 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, đã thực hiện nâng mức giá trị suất ăn giữa ca cho người lao động đạt từ 15.000 đồng trở lên. Riêng tại TPHCM, trong 1 năm qua, cũng đã có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các KCX - KCN đã triển khai xây dựng bếp ăn tập thể và nâng cao giá trị suất ăn từ bằng đến cao hơn mức mà Nghị quyết Tổng Liên đoàn đưa ra. Và cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tổ chức thêm bữa ăn ngon ngày cuối tuần, kèm trái cây tráng miệng, rồi cũng có doanh nghiệp nâng giá trị suất ăn lên tới 32.000 - 40.000 đồng/suất…

Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch công đoàn các KCX - KCN TP, cho hay thời gian qua, bữa ăn giữa ca được triển khai tại các KCX - KCN. Về giá trị thật sự cũng như chất lượng dinh dưỡng, đặc biệt sự giám sát kịp thời từ đầu vào của nguồn thực phẩm, kịp thời ghi nhận, phản ảnh, đánh giá định kỳ hàng quý để có kiến nghị và đưa vào nội dung đối thoại đối với những doanh nghiệp có chất lượng bữa ăn giữa ca không đảm bảo. Cho nên đã có một sự chuyển biến mạnh về chất lượng bữa ăn giữa ca.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Còn trên bình diện chung của cả nước, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, tại một số địa phương cũng đã xuất hiện thêm những nét mới khi Công đoàn tham gia với chủ doanh nghiệp cố gắng cải thiện, hỗ trợ một phần chi phí. Qua đó cho thấy những nỗ lực của công đoàn các cấp đã góp phần mang lại cho người lao động có được bữa ăn giữa ca chất lượng hơn và an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ông Mai Đức Chính cho biết hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng được mô hình bếp ăn tập thể thật tốt. Các mô hình này sẽ được nhân rộng để cho các công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp khác học tập. Điều đáng mừng là chính người sử dụng lao động, người quản lý đã cùng ăn bữa ăn giữa ca với công nhân, điều đó thể hiện sự quan tâm của họ đối với bữa ăn giữa ca của công nhân, đồng thời cũng chính là sự kiểm tra giám sát.

Ngoài những điểm sáng vừa kể trên thì hiện nay cũng còn không ít doanh nghiệp chi suất ăn giữa ca cho người lao động dưới mức 15.000 đồng và khoán trắng cho các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp. Đó cũng là lý do tại sao vẫn còn xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa ăn của người lao động. Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của công nhân lao động tại các KCX - KCN theo khảo sát của Viện công nhân công đoàn, hiện chỉ đạt 89% nhu cầu, thiếu về giá trị dinh dưỡng và chất lượng cũng thấp.

Vì vậy, để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết về bữa ăn ca trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hướng dẫn các cấp công đoàn đưa nội dung chất lượng bữa ăn ca vào nội dung thương lượng tập thể đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có hỗ trợ bữa ăn ca nhưng còn ở mức dưới 15.000 đồng, riêng ở những nơi có giá trị suất ăn cao hơn thì cần phải duy trì thực hiện thường xuyên để đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho người lao động, đồng thời, tăng cường phối hợp cùng thanh tra y tế, các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp có giá trị bữa ăn ca thấp, các doanh nghiệp bị người lao động phản ánh nhiều về chất lượng bữa ăn ca không đảm bảo.