Cần quan tâm đến chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động

(VOH) - Đúng 10 giờ 45 phút, tại nhà ăn của công ty APT ở KCN Tân Tạo-TPHCM, nồi cơm nóng hổi được nhà bếp mang ra tận bàn, sau đó các công nhân ở từng bộ phận sản xuất thay phiên nhau đến chọn món để dùng bữa giữa ca sớm.

Thực đơn bữa ăn giữa ca có đến 4 món mặn: gà kho gừng, cá hường chiên sả, thịt heo kho trứng, thịt xào mắm ruốc. Kèm theo đó là rau xào và canh. Theo anh chị em công nhân, nhờ có nhiều món để lựa chọn nên ăn không thấy ngán và quan trọng là cơm và thức ăn cũng vừa được chế biến xong đảm bảo  luôn nóng, ngon.

Công nhân Nguyễn Thu Hằng nhìn nhận: “Phần ăn của công ty rất ngon, về mặt vệ sinh được đảm bảo vì hằng ngày có Công đoàn, có người kiểm tra. Về mặt dinh dưỡng thì có rất nhiều món, thay đổi thường xuyên để lựa chọn, chất lượng cải tiến rất nhiều, sạch sẽ để cho tụi em có bữa ăn  ngon, đảm bảo chất lượng”.

Suất ăn giữa ca của công nhân tại đây có giá 15.000 đồng nhưng giá trị thực lại cao hơn rất nhiều vì công ty tổ chức bếp ăn tập thể tại chỗ và hỗ trợ chi phí cơ sở vật chất cho nhà bếp. Trong tuần, công nhân còn có thêm 1 bữa ăn tươi có giá lên đến 20.000 đồng/suất.

Bà Lê Thị Thùy Trang – Chủ tịch Công đoàn công ty APT cho biết thêm về lợi ích của bếp ăn tập thể của đơn vị: "Thật sự thức ăn trị giá 15.000 đồng nhưng mà trong đó công ty cũng có trợ giá để cho suất ăn được phong phú và nhiều hơn. Hằng ngày, Công đoàn và phòng tổ chức có triển khai lấy mẫu và lưu mẫu để kiểm tra chất lượng của bữa ăn, nhằm kiểm soát được chất lượng bữa ăn cho người lao động”.

Việc tổ chức được bếp ăn tập thể tại nơi sản xuất như công ty APT không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được. Vì có không ít doanh nghiệp phải đặt suất ăn bên ngoài cho công nhân ăn. Tuy nhiên, việc đặt suất ăn bên ngoài thì khó kiểm soát được nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, rồi thời gian vận chuyển suất ăn từ nơi cung cấp đến công ty cũng sẽ nảy sinh thêm các yếu tố mất an toàn, dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao, chưa nói đến vấn đề về chất lượng của suất ăn khi giá trị quá thấp.

Do vậy, đây  chính là vấn đề mà nhiều công nhân cảm thấy lo lắng và mong muốn chất lượng bữa ăn phải được quan tâm. Công nhân Chiên Thị Hồng Huyên, công ty Shinenito VietNam-KCN Tân Bình cho rằng: “Em thấy thì có bữa nấu ăn được, có bữa thì ăn không được. Em muốn bữa ăn của tụi em, tuy đồ ăn ít nhưng phải ngon để tụi em ăn được hơn, ăn được thì làm việc cũng được hơn. Chứ bữa ăn mà có lúc dở có người không ăn, chỉ ăn canh, thấy cũng tội. Nhưng ăn thì mới có sức làm nên cũng phải ráng ăn”.

Bữa ăn trưa của người lao động Công ty CP Himlam Land, quận 1, TPHCM  - Ảnh: NLĐ

Đối với đa số công nhân-lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, hoặc trong các KCX-KCN, bữa ăn giữa ca luôn được xem là bữa ăn chính trong ngày của họ. Vì vậy chất lượng bữa ăn cần phải được chủ doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Thứ nhất là giá trị suất ăn, kế đến là quy trình chế biến để có một bữa ăn an toàn, hợp vệ sinh, đảm bảo chất lượng để công nhân có nguồn năng lượng tái tạo lại sức lao động.

Thực tế thì hiện nay bữa ăn giữa ca của người lao động tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại: chất lượng bữa ăn chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động, chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao, trong quá trình thương lượng tập thể một số công đoàn cơ sở  chưa quan tâm đưa nội dung bữa ăn ca vào nội dung bàn bạc.

Do vậy trên thực tế đã xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể do chất lượng bữa ăn ca không đảm bảo, giá trị bữa ăn có nơi chỉ ở mức 10.000 đồng đến dưới 14.000 đồng. Mới đây, tại buổi gặp gỡ và tiếp xúc của công nhân với thủ tướng Chính phủ, nhiều công nhân cũng bày tỏ sự lo lắng của mình về chất lượng bữa ăn giữa ca.

Công nhân Trần Thị Hồng Thu nêu vấn đề: “Hiện nay bữa ăn giữa ca của anh chị em công nhân chất lượng rất thấp, thực phẩm bẩn được bán tràn lan trên thị trường nên anh chị em công nhân rất lo sợ các doanh nghiệp mua những thực phẩm không đảm bảo chất lượng để phục vụ bữa ăn cho công nhân, vì vậy nên có biện pháp nào để kiểm soát được vấn đề này?”

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP, trên 80% các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các khu chế xuất – khu công nghiệp, trường học là từ các suất ăn nấu sẵn đưa từ ngoài vào. Do vậy, để đảm bảo suất ăn được kiểm soát tốt từ nguyên liệu đầu vào cho đến chế biến thì cần phải xây dựng bếp ăn tập thể tại chỗ. Vì an toàn thực phẩm là một chuỗi, bất cứ công đoạn nào bị hở cũng dẫn đến ngộ độc. Chuỗi này phải được đảm bảo an toàn về nguồn thực phẩm, quá trình chế biến, thời gian chế biến, quy trình bảo quản, dụng cụ đựng, bao gói, môi trường khu vực ăn.

Theo quy định, thức ăn từ khi nấu xong đến lúc ăn không được quá 2 tiếng đồng hồ, nếu quá thời gian này, vi khuẩn sẽ phát sinh trong thức ăn và có thời gian để nhân đủ số lượng có thể gây ngộ độc.

Theo thời giá hiện nay, giá trị suất ăn phải từ 15.000 đồng trở lên,  suất ăn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính: đạm, rau xanh, tinh bột và chất béo. Do vậy, nhất thiết là nên xây dựng bếp ăn tập thể tại nơi làm việc.

Bà Huỳnh Mai nhìn nhận: “Thông thường nếu các nhà thầu nào làm vượt quá công năng của họ, sẽ khiến “đường đi” của thức ăn từ lúc chế biến xong đến khi ăn dài hơn. Như vậy sẽ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.  Do đó, chúng tôi khuyến cáo các cơ sở có đông công nhân nên tự tổ chức nấu ăn tại chỗ, kiểm soát được nguồn nguyên liệu, nguồn nước, quy trình chế biến, hạn chế điều kiện thuận lợi cho ngộ độc xảy ra. Và đảm bảo được nguyên tắc vàng mà Bộ y tế khuyến cáo là ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu xong”.

Bữa ăn giữa ca của công nhân Công ty TNHH Tsuchiya Tsco Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP I - Ảnh: BaoBinhduong

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần phải công khai giá trị bữa ăn hằng ngày của công nhân mà trách nhiệm này thuộc về các cấp công đoàn và chủ doanh nghiệp: “Công đoàn các cấp phải công khai hóa thực đơn hằng ngày, mức ăn hằng ngày, giữa ca của công nhân là bao nhiêu. Giá cả một cân thịt, một cân rau là bao nhiêu để mọi công nhân  đều có thể giám sát. Đừng để thất thoát từ quá trình đi chợ, mua bán chế biến ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của công nhân. Phải thay đổi thực đơn thường xuyên, được kiểm soát thường xuyên để nâng cao bữa ăn giữa ca của công nhân, một nhu cầu bức thiết của công nhân. Không có sức khỏe, không có dinh dưỡng thông qua bữa ăn thì khó có thể tái tạo lại sức lao động”.

Bên cạnh việc công khai hóa giá trị suất ăn thì thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng cần phải có nguồn thực phẩm sạch từ chợ đến siêu thị để có bữa ăn sạch cho công nhân.Chính quyền địa phương phải tăng cường giám sát nguồn thực phẩm, nếu để bữa ăn công nhân xảy ra ngộ độc thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm trước tiên.