Nhập khẩu là một hình thức gia tăng giá trị cá cảnh

(VOH) - Ngành nông nghiệp cho biết khả năng trong năm 2018 sản lượng cá cảnh của TPHCM đạt khoảng 180 triệu con, gấp 3 lần so với sản lượng năm 2010.

Tại hội thảo Xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành cá cảnh tại TPHCM, diễn ra vào sáng nay 12/10, nhiều đại biểu cho rằng nhập khẩu là hình thức gia tăng giá trị cá cảnh nhưng chưa được quan tâm tạo điều kiện.

Hiện Việt Nam đứng thứ 17 trong số những quốc gia xuất khẩu cá cảnh hàng đầu trên thế giới. Trong đó, thị trường cá cảnh TPHCM chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh của cả nước. Năm 2018, sản lượng cá cảnh trên địa bàn thành phố ước đạt 180 triệu con, trong đó xuất khẩu khoảng 20 triệu con mang về kim ngạch 22 triệu đô la Mỹ.

Đặc biệt, cá cảnh với những tiềm năng lợi thế đã xuất khẩu sang gần 50 quốc gia và được xác định là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của thành phố.

Nhập khẩu là một hình thức gia tăng giá trị cá cảnh

Cá cảnh tại một cơ sở sản xuất, xuất khẩu cá cảnh ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.

Tuy nhiên, hiện cá cảnh sản xuất chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ, hầu hết các trang trại chưa được đầu tư đúng mức, chưa xây dựng được chuỗi liên kết nhằm gia tăng giá trị ngành hàng.

Ông Lê Tôn Cường, Trưởng phòng nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản nêu thực trạng: "Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chọn giống lai tạo giống mới và chế độ dinh dưỡng để nâng cao chất lượng sản phẩm cá cảnh còn hạn chế. Chưa đạt được sản phẩm cá cảnh nổi trội trên thị trường. Chưa liên kết chặt chẻ vai trò của các hội. Số lượng tổ hợp tác và hợp tác xã ít và chưa hoạt động hiệu quả".

Thị trường tiêu thụ chủ yếu của cá cảnh thành phố vẫn là nội địa. Để đẩy mạnh xuất khẩu các cơ sở cần quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư những giống cá đẹp, mới lạ. Nhưng phát triển giống mới lại đối mặt với những khó khăn do quá trình nhập khẩu con giống. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp cho rằng các chính sách của nhà nước chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này.

PGS.TS Vũ Cẩm Lương, Trường đại học Nông Lâm TPHCM phân tích: "Ngày nay thị trường thế giới là một liên kết mở. Hôm nay quý vị sản xuất được một đối tượng tốt, nhưng khi thấy thị trường lân cận có một nhóm đối tượng có thể bổ sung cho cơ cấu ngành hàng mình thì chúng ta dùng nhập khẩu để làm kinh doanh, chứ không phải chỉ sản xuất để xuất khẩu. Nhập khẩu cũng là một phương thức để gia tăng giá trị cá cảnh".

Trong 8 năm qua, bình quân mỗi năm sản lượng cá cảnh xuất khẩu tăng trung bình 15%. Tuy nhiên, hiện cá cảnh sản xuất chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

Ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông TPHCM cho rằng: "Nếu không có liên kết nâng chuỗi giá trị thì khó có thể phát huy tất cả các tiềm lực và thế mạnh TPHCM. Có thể nói, TPHCM là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc phát triển ngành cá cảnh truyền thống thành một ngành sản xuất công nghiệp và cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Singapore, Malaysia... thậm chí là Trung Quốc".

Mặc dù, thành phố có nhiều tiềm năng, đồng thời là địa phương đi đầu về phát triển cá cảnh, nhưng hiện nay trên địa bàn chỉ có 2 chợ Lưu Xuân Tín và Nguyễn Thông kinh doanh mặt hàng cá cảnh với diện tích khá chật hẹp. Trong khi, ở các nước có hẳn khu chợ sinh vật cảnh với quy mô hàng hecta, trở thành địa điểm thu hút khách du lịch mang đến nhiều giá trị gia tăng cho ngành hàng.

Trước những vấn đề được các đại biểu đặt ra, ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông TPHCM cho rằng: "Đặc biệt sắp tới có lễ công bố về các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, trong đó có cá cảnh. Tôi hy vọng sẽ có chỉ đạo và những chính sách tiếp theo mạnh hơn nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân, doanh nghiệp ngày càng phát triển".