KCX-KCN TPHCM: 90% doanh nghiệp sẽ được tiếp cận và chuyển đổi số thành công

(VOH) - Chiều 27/4, tại buổi họp mặt doanh nghiệp thường niên do Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TPHCM (HBA) tổ chức, rất nhiều chương trình đã được ký kết hợp tác chiến lược phát triển.

Đó là chương trình kết nối giao thương, xây dựng chuỗi cung ứng Khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao năm 2021-2024. Chương trình phát triển doanh nghiệp số giai đoạn 2021-2024. Và chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà và năng lượng tái tạo tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp - Khu công nghệ cao TPHCM giai đoạn 2020-2024.

Doanh nghiệp quan tâm chương trình năng lượng mặt trời. 
Doanh nghiệp quan tâm chương trình năng lượng mặt trời. 

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA: “Năm 2021 hứa hẹn một sự thay đổi ngoạn mục của nền kinh tế sản xuất do sự phát triển của các công nghệ thông minh như IoT, AI, sự tăng tốc của hệ thống mạng 5G và công nghiệp 4.0. Đây được xem là cơ hội phát triển hội nhập kèm theo đó là những thách thức đối với nhiều doanh nghiệp khi việc chuyển đổi số liên quan đến nhiều yếu tố: nhân sự, ngân sách, tình hình bất ổn kinh tế toàn cầu trong thời đại dịch Covid-19. Với vai trò của hiệp hội, HBA đã có những định hướng chi tiết về việc Triển khai Kế hoạch Chương trình phát triển Doanh nghiệp số giai đoạn 2021 - 2024 tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp - Khu công nghệ cao TP. Mục tiêu đặt ra là có 90% doanh nghiệp được tiếp cận và chuyển đổi số thành công”.Một lĩnh vực cũng không kém phần quan trọng là phát triển điện mặt trời tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp - Khu công nghệ cao, các doanh nghiệp, nhà máy, nhà xưởng…sẽ nhận được rất nhiều lợi ích thông qua việc lắp đặt điện mặt trời áp mái đó là tạo ra lợi nhuận từ mái nhà nhàn rỗi, bảo vệ phần mái, giảm nhiệt độ phần mái góp phần giảm nhiệt không gian bên trong, giảm phát thải CO2 và sở hữu những chứng chỉ liên quan về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường có lợi trong hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, việc ứng dụng năng lượng xanh vào sản xuất cũng là động lực thúc đẩy phát triển và đổi mới trong xu thế hội nhập.

Trong năm 2020, đã có 118 dự án được thực hiện tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp - Khu công nghệ cao TP với tổng công suất lắp đặt 76 MWP. Mục tiêu của chương trình là sẽ có 1.000 doanh nghiệp hưởng ứng chương trình, giảm 10-15% sản lượng điện tiêu thụ định kỳ, giảm phát thải 23 triệu tấn CO2 ra môi trường trong vòng 25 năm. Và mục tiêu lớn nhất là 100% thương hiệu của doanh nghiệp tham gia sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Bình luận