Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhiều khó khăn chất chồng kiềm hãm sự bứt phá của doanh nghiệp nhỏ và vừa

(VOH) - Việt Nam có khoảng 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong số này, phần lớn doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản trị, môi trường, chính sách…

Hiện mong muốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là có một môi trường sản xuất hiệu quả, ổn định, có thể phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường…đây là vấn đề được nêu tại hội thảo chuyên đề “Các trợ lực để doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số” tổ chức sáng 3/10 tại Trung tâm báo chí Thành phố. 

Theo bà Trần Thị Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu InsightAsia, trong khảo sát gần đây của InsightAsia, có 62% số doanh nghiệp được hỏi, cho là họ đang gặp khó về nguồn vốn, chủ yếu là để đầu tư nhà xưởng, máy móc…, trong khi khó khăn về nguồn khách hàng đứng thứ hai với 60% và 45% số người được hỏi cho rằng họ gặp khó về pháp lý.

“Mọi người đều gặp phải khó khăn trong vấn đề pháp lý nhưng không phải ai cũng quan tâm trong quá trình khởi nghiệp. Máy móc thiết bị cũng là vấn đề lớn, khi khởi nghiệp, doanh nghiệp có khuynh hướng dùng chính nhà xưởng hiện có để vay ngân hàng, đi thế chấp”, bà Phương cho biết.

Ở góc độ công nghệ, ông Đỗ Khắc Cương – Giám đốc Quốc gia phụ trách khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần hướng đến 4 mục tiêu, đó là: sử dụng công nghệ thông tin để thay đổi cách thức làm việc với đối tác; trao quyền cho nhân viên nhưng vẫn kiểm soát được; cải thiện quy trình sản xuất; sử dụng công nghệ thông tin để ngày càng cải tiến sản phẩm. “Hệ thống định vị toàn cầu thông qua GPRS hoặc thông qua 3G trước đây rất đắt tiền, nhưng bây giờ công nghệ này là phần nhúng vào trong thiết bị điện thoại di động. Người dùng và các doanh nghiệp hầu như không phải trả tiền. Rất nhiều công vụ, dịch vụ ngày càng giảm giá rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp càng dễ có cơ hội ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin”, ông Cương thông tin.

Các chuyên gia, doanh nghiệp cùng thảo luận để tìm giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thực hiện mới đây cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vươn lên do chịu gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng, gánh nặng về thủ tục hành chính cũng như thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương đối với các doanh nghiệp lại càng lớn. Thêm vào đó, doanh nghiệp thiếu các thông tin chính sách, pháp luật, khó khăn trong tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai… Đây là lý do vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa có sự phát triển mạnh mẽ, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM nói: “Việc cải thiện chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh là vấn đề cốt lõi đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển và phát triển bền vững. Vừa rồi Bộ Chính trị ra nghị quyết về việc chủ động tham gia công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng buộc phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong định hướng đó thì mới không bị thụt lùi quá sâu đối với thế giới”.

Ông Trần Ngọc Liêm cũng cho biết, giải quyết được các vấn đề nêu trên là cách mở lối đi tốt nhất cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề xuất các công ty bất động sản khu công nghiệp nên nghiên cứu xây dựng mô hình khu công nghiệp kiểu mới để cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng tái tạo, cung cấp nhà xưởng quy mô nhỏ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình sản xuất… Có như vậy mới giải quyết được vấn đề thiếu mặt bằng và nhà xưởng cho khối doanh nghiệp này.doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa

Khoảng 200 khách mời đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham dự.

Bình luận