Nhiều thách thức trong việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam

(VOH) - Hội thảo “Thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam: Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ” vừa được trường Đại học Luật TPHCM tổ chức.

Nhằm cung cấp, xây dựng nền tảng lý luận và thực tiễn về các vấn đề liên quan đến việc hoạch định các chính sách pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên nền tảng các điều khoản của FTA, đồng thời, đóng góp các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật và kế hoạch phát triển hiệu quả của Việt Nam, mới đây trường Đại học Luật TPHCM tổ chức Hội thảo “Thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam: Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng chia sẻ và thảo luận các vấn đề cốt lõi xoay quanh Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Tổng quan về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những vấn đề pháp lý chung về bảo vệ lợi ích phi thương mại; Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các quyền liên quan đến lao động, bảo vệ môi trường, những vấn đề phát triển bền vững.

nhieu-thach-thuc-trong-viec-thuc-thi-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-tai-viet-nam-voh.com.vn-anh1
PGS.TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại phiên đầu tiên của Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế đã chia sẻ về “Vấn đề thực hiện các cam kết về môi trường và lao động từ các hiệp định thương mại chiến lược của Việt Nam thời kỳ hậu gia nhập WTO” thông qua các 04 nội dung chính: Khái quát về chính sách hội nhập của Việt Nam; Hệ thống các FTA của Việt Nam và các FTA chiến lược của Việt Nam; Cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường trong khuôn khổ các FTA chiến lược; Cam kết quốc tế của Việt Nam về lao động trong khuôn khổ các FTA chiến lược và từ đó nhận xét cụ thể về khó khăn và thách thức trong việc thực thi các cam kết để đảm bảo tiêu chuẩn lao động cơ bản.

Theo PGS. TS Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, nhận định Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang là một xu thế phát triển mạnh, với các vấn đề phi thương mại đặt ra cơ hội cũng như những thách thức to lớn trong việc xây dựng chính sách pháp luật của Việt Nam. Hội thảo năm nay là lần thứ 2 được tổ chức, trong hội thảo lần này sẽ tập trung phân tích sâu hơn về việc thực thi các quy định cụ thể về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ theo quy định của các hiệp định FTA chiến lược của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng sẽ phân tích thêm các hiệp định UKVNFTA và EAEU-VN FTA (liên minh Á- Âu do Nga lãnh đạo) chứ không chỉ gói gọn trong EVFTA và CPTPP.

Đại diện Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung, ông, Philip Degenhardt- Tổng Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung Khu vực Đông Nam Á đề cao sự hợp tác giữa Rosa-Luxemburg-Stiftung và Trường Đại học Luật TP.HCM, đặc biệt là sự hợp tác tổ chức Hội thảo để phân tích về các Hiệp định thương mại trong hai năm qua. Theo Ông Philip Degenhardt, 3 khía cạnh: lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ là mối quan tâm của Quỹ cũng như là các lĩnh vực quan trọng để Việt Nam hội nhập trong tương lai.