Nợ xấu liên quan đến các vụ án chiếm tỷ trọng cao

(VOH) - Sáng 17/10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố và các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi thánh thành phố, từ đầu năm đến nay, hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng trên các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho kinh tế thành phố. Trong đó, một số chỉ số cơ bản về tín dụng, huy động vốn đạt mức tăng cao so với những năm trước đây. Cụ thể, huy động vốn trong 9 tháng tăng 11,37%, dư nợ tín dụng tăng 13,26%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của các năm trước đây.

Tính đến 31/8/2016, tổng số nợ xấu chiếm 3,8% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Về kết quả xử lý nợ xấu, trong 8 tháng, trên địa bàn đã xử lý hơn 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Mức độ phức tạp và tác động ảnh hưởng của nợ xấu đã được kiểm soát, các tổ chức tín dụng có nợ xấu cao đã hoạt động ổn định, giảm lỗ và từng bước tăng trưởng, có lãi.

 Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố và các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: ”Thu nợ xấu bằng tiền tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước đây. Cụ thể, thu nợ xấu bằng tiền đạt hơn 16.000 tỷ đồng, chiếm 47% tổng số tiền thu nợ và cao nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn rủi ro và chưa bền vững. Trong đó, nợ xấu liên quan đến vụ án chiếm tỷ trọng cao, chiếm 48,8% tổng nợ xấu. Đây là những khoản nợ khó xử lý, phần lớn các khoản nợ này vẫn chưa xử lý và chưa thu hồi”.

Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản đảm bảo nợ vay qua đấu giá, phát mãi, qua tòa án và thi hành án mất rất nhiều thời gian và trong nhiều trường hợp khó xử lý để thu hồi nợ, nhất là khi khách hàng cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), kiến nghị: ”Sự phối hợp của các cơ quan địa phương trong việc triển khai thu hồi nợ, theo Nghị định 163 và thông tư liên tịch 16 thì các địa phương chỉ nhận nhiệm vụ phối hợp chứ không coi là nhiệm vụ. Đề nghị, cần nghiên cứu khâu tác nghiệp, đây là nhiệm vụ của các cơ quan địa phương trong việc phối hợp chứ không chỉ là có thời gian, có điều kiện mới phối hợp”.

Tại buổi làm việc, nhiều ngân hàng cũng như các đại biểu quốc hội đã đánh giá cao vai trò của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu.

Dự báo, những tháng cuối năm nhu cầu vốn thường có xu hướng tăng cao, song với quy mô nguồn vốn huy động hiện nay trên 1,7 triệu tỷ và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cùng với thanh khoản ổn định. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu vốn hợp lý, hợp pháp và đủ điều kiện tín dụng của mọi doanh nghiệp.

”Chúng ta cần phải tích cực hơn nữa trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tiếp tục xử lý nợ xấu, phối hợp với VAMC, phối hợp với các đơn vị liên quan làm sao đảm bảo đúng luật và tăng tốc độ xử lý nợ xấu. Tất nhiên nợ xấu còn lại thì rất khó khăn. Vấn đề nữa là làm sao khôi phục niềm tin đề người dân tham gia gửi tiền ngân hàng, bỏ tiền đầu tư. Ngành ngân hàng cũng cần quan tâm đến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập thì các ngân hàng trong nước vừa cạnh tranh nhau nhưng cũng phải vừa hợp tác để cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài, tôi cho đây là hết sức cần thiết”, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, áp lực đối với hệ thống ngân hàng hiện nay là rất lớn do vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế chủ yếu được đáp ứng từ thị trường tiền tệ thông qua hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Do đó, ngành ngân hàng cũng đề xuất cần có giải pháp trong trung và dài hạn.

Để tăng trưởng ổn định, bền vững cần phát triển mạnh thị trường vốn, thị trường chứng khoán để giảm áp lực vốn cho hệ thống ngân hàng, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động chuyên nghiệp, tăng trưởng và phát triển bền vững phù hợp với chức năng trung gian tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và phát triển dịch vụ ngân hàng.