Chờ...

Nông sản lên sàn điện tử sẽ không còn tình trạng cả nước phải “giải cứu”

(VOH) - Việt Nam khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và nông nghiệp là một trong 8 ngành ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số.

Đây được xem là con đường sẽ tạo nên sự đột phá, bứt tốc cho ngành nông nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong kỳ 1 chúng ta đã tìm ra đáp án cho câu hỏi “Chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu?”. Đó là, dưới sự giúp sức của công nghệ và các chính sách bảo hộ từ nhà nước - người nông dân tiệm cận thông tin thị trường, các mô hình sản xuất tiên tiến…để vươn tầm ra thế giới với những nông sản “xanh và sạch” đủ tiêu chuẩn.

Với việc xác định “cái gốc của ngành nông nghiệp số, đó là từ người nông dân, các vị khách mời Thạc sĩ Dương Tôn Bảo - Phó vụ trưởng Vụ Bưu Chính (Bộ Thông tin và Truyền thông); Phó giáo sư - Tiến sĩ Đào Thế Anh - Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng và bà Nguyễn Thị Thu Liên - Trưởng ban truyền thông Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo Rau hoa quả đã đề xuất một loạt các giải pháp để tạo ra các bộ công cụ cho người nông dân được tiếp cận khoa học công nghệ để chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất của mình”.

Và trong thời gian qua, giải pháp này đã có những thành công bước đầu - theo kết quả đánh giá của Thạc sĩ Dương Tôn Bảo đưa ra trong tọa đàm sau đây:

“Năm 2021, đại dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều tỉnh thành, nhiều địa phương thực hiện giãn cách dẫn đến chuỗi cung ứng nông sản tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1034 phê duyệt Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công thương để triển khai, trong đó tập trung 3 yếu tố chính, đó là hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp có thể mua hàng từ xa, bán hàng từ xa và đặc biệt là quảng bá sản phẩm nông nghiệp.

Covid-19
Nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ có thể tránh được cảnh “được mùa mất giá”

Để làm được 3 yếu tố này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn 63 tỉnh thành ban hành kế hoạch triển khai tại địa phương. Đồng thời chúng tôi tập trung vào việc đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia thương mại điện tử, kỹ năng đóng gói, quy trình giao nhận sản phẩm đáp ứng tiêu chí thương mại điện tử để minh bạch sản phẩm.

Sau hơn 4 tháng triển khai phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương, đến thời điểm này, đã có hơn 1,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ tham gia thương mại điện tử giai đoạn 1 và gần 60.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Các giao dịch đã tăng lên đột biến thời gian qua. Đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đào tạo được cho gần 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số, đào tạo hoàn toàn miễn phí”.

Rõ ràng, với việc chuyển đổi số người nông dân đã chủ động hơn trong nhiều khâu, đặc biệt là khâu nắm bắt nhu cầu thị trường vốn là một điểm yếu của nông dân Việt Nam. Đặc biệt trong việc đứt gãy trong khâu phân phối sản phẩm trong các đợt dịch vừa qua buộc phải “giải cứu” nông sản trực tuyến.

Hơn bao giờ hết người nông dân nhận thức được tầm quan trọng của việc số hóa sản xuất nông nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng của một nền nông nghiệp thông minh.

---

Kỳ 2: Nông sản lên sàn điện tử sẽ không còn tình trạng cả nước phải “giải cứu”

* VOH: Có lẽ dưới góc độ của người nông dân, quan tâm nhiều nhất của họ là làm sao nông nghiệp thông minh có thể giải quyết vấn đề như tránh cảnh “được mùa mất giá”? Ý kiến của các vị khách mời như thế nào? 

- Ông Dương Tôn Bảo: Theo báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế và Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, trong năm 2020, ngành thương mại điện tử tăng 16%, quy mô 14 tỉ USD, dự báo giai đoạn 2020- 2025 là 29%, quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 52 tỉ USD. Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam chủ yếu tập trung 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM chiếm 70% giao dịch thương mại điện tử của cả nước, 61 địa phương còn lại chỉ đóng góp chưa tới 30% quy mô thương mại điện tử.

Như vậy, dư địa phát triển thương mại điện tử ở khu vực nông thôn rất lớn, đây là cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp Việt Nam.           

Một trong những hiệu quả “mắt thấy tai nghe” rõ nhất của chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian qua chính là giúp nông dân thoát cảnh được mùa mất giá. Giải quyết vấn đề vải thiều Bắc Giang vừa rồi chính là câu chuyện thành công cho các địa phương khác. Cùng với đó là sự thành công của việc tiêu thụ nhãn Hưng Yên, bưởi Phúc Trạch, cũng như công cuộc thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của 19 tỉnh thành phía Nam qua sàn thương mại điện tử và được Chính phủ ghi nhận. Cơ hội phát triển sản phẩm nông sản, kinh tế số nông nghiệp thông qua các sàn thương mại điện tử còn rất lớn.

Như vậy, đây là cơ hội hiện hữu để người nông dân thoát cảnh được mùa mất giá, đây là việc cơ quan chức năng đã nhận ra. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ đạo là từ nay không gọi giải cứu mà phải nói là thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương.

nông sản
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao tại TPHCM - có vai trò hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp (cá nhân) muốn phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

- Bà Nguyễn Thị Thu Liên: Theo tôi, điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa đã diễn ra rất lâu, được mổ xẻ rất nhiều nguyên nhân nhưng vấn đề ở đây không phải là công cụ thị trường, không phải không có kênh để tiêu thị nhưng tại sao chúng ta vẫn rơi vào câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Nguyên nhân là do chúng ta không sản xuất theo tín hiệu thị trường, sự đặt hàng từ thị trường mà cứ có gì sản xuất đó. Các vùng nguyên liệu không được quản lý theo quy hoạch.

Chúng ta chưa khai thác hết thế mạnh của thương mại điện tử mà chỉ để phát triển 2 thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Trong câu chuyện làm nông nghiệp thông minh trong thành phố thông minh, tôi nghĩ rằng TPHCM định vị như thế nào, Thành phố có rất nhiều điều kiện, ưu điểm để trở thành trung tâm triển lãm hội chợ nông nghiệp cả online lẫn offline. TPHCM sẽ trở thành “bà đỡ” cho tất cả dự án thương mại về nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp tốt đẹp nhất, hay nhất được trình diễn ở đây.            

* VOH: Thưa ông Đào Thế Anh, góc độ của nhà khoa học, ông nghĩ chúng ta cần có giải pháp gì để người nông dân thích ứng với cách làm nông nghiệp thông minh? 

- Ông Đào Thế Anh: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức một hội thảo khoa học cơ hội phát triển nông nghiệp thông minh trong đô thị. Theo đó, đô thị thông minh phải là đô thị xanh, bền vững và tăng tính chống chịu, thúc đẩy các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, tư vấn, chuyển giao công nghệ và truyền thông rộng rãi hơn để các bà con làm nông nghiệp được tiếp cận nhiều thông tin.

TPHCM nên sớm bắt tay xây dựng một đề án về nông nghiệp thông minh ở TPHCM. Bởi quá trình đô thị hóa đã khiến nông nghiệp mất đất nhiều, nhưng việc quy hoạch để phát triển nông nghiệp trong không gian đô thị thay đổi nhanh như thế vẫn chưa được chú ý một cách thỏa đáng. Nếu không nhìn thấy trước để có không gian cho nông nghiệp trong đô thị thì sau này giải quyết sẽ quá muộn. Đấy là bài toán lớn. 

* VOH: Một câu hỏi dành cho ông Dương Tôn Bảo, khi nói đến giải pháp cho nông nghiệp thông minh, ông có nhắc đến nhật ký sản xuất điện tử hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và cho người nông dân. Cụ thể thực hiện như thế nào?

- Ông Dương Tôn Bảo: Đây cũng là một trong những giải pháp chuyển đổi số, là định hướng của Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, đồng thời là nhu cầu của thị trường. Hiện trên thị trường có rất nhiều giải pháp, tuy nhiên Bộ nông nghiệp cần có định hướng cụ thể để đưa vào sử dụng rộng rãi hơn.

Ứng dụng nhật ký sản xuất có lợi ích giúp cho hộ sản xuất nông nghiệp hợp tác xã, bà con nông dân chủ động khâu sản xuất. Khi nhật ký được ghi qua các mùa vụ từng tháng, từng năm thì chúng ta có một dữ liệu lớn trong nông nghiệp, từ đó phân tích để đưa ra giải pháp tối ưu trong sản xuất, giải pháp bảo quản chế biến, đưa sản phẩm ra thị trường làm sao đáp ứng được yêu cầu.

Đây là công cụ hỗ trợ dự báo thị trường, tránh cảnh được mùa mất giá. Vì chúng ta không có dự báo về giá dẫn đến người nông dân sản xuất theo thói quen, có đất mà không sản xuất thì không được. Chính vì vậy, sử dụng nhật ký điện tử trong sản xuất này cần phải có định hướng đúng của cơ quan quản lý tại địa phương như Sở nông nghiệp phát triển nông thôn.

Hiện có nhiều bài học điển hình về chuyển đổi số nông nghiệp về ứng dụng nhật ký điện tử trong sản xuất nông nghiệp như mô hình của Israel, Trung Quốc, Hà Lan mà chúng ta cần phải học hỏi. Trong việc hỗ trợ Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn xây dựng chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, Bộ Thông tin Truyền thông đã có đề xuất đưa ra giải pháp này như một trong những giải pháp để hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và thay đổi mô hình sản xuất. 

* VOH: Thưa chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, trong bước chuyển mình của nông nghiệp, chúng ta không chỉ tham gia sàn thương mại điện tử mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vậy Việt Nam cần lưu ý gì để tổ chức, cá nhân trực tiếp làm nông nghiệp thông minh thành công? 

- Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Không phải tự nhiên Bộ Công Thương, Chính Phủ Việt Nam đi đàm phán với nhiều quốc gia hàng chục năm để đạt được những giá trị cao. Khi chúng ta được ngồi trong sân chơi lớn được thụ hưởng giá trị văn minh, hiện đại nhất thế giới. 

Trong nhiều năm qua có nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký và đang trong quá trình vận hành. Trong đó, có 5 Hiệp định tôi rất quan tâm đó là EEC, CPTPP, EVFTA, UKVFTA và lớn nhất thế giới là RCEP, giúp Việt Nam có cơ hội đứng ngang bằng với những quốc gia phát triển nhất.

Cam kết của Thủ tướng ở nhiều diễn đàn trên thế giới đã cho chúng ta niềm tin về lộ trình thực hiện, đồng hành với quốc gia lớn. Tôi xin đưa ra 5 vấn đề để vận hành nông nghiệp thông minh với 5C cơ bản, dễ nhớ như sau: thứ nhất là chất lượng,thứ hai là chuyên nghiệp, thứ ba là cam kết uy tín, thứ tư là chuỗi - tức là sản xuất tiêu thụ bền vững, thứ năm là công bằng -  tức là chấp hành luật sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam.