Chuyển đổi số trong nông nghiệp nên bắt đầu từ đâu?

(VOH) - Từ năm 2020, Việt Nam khởi động chương trình chuyển đổi quốc gia với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Nông nghiệp là một trong 8 ngành ưu tiên...

So với các lĩnh vực cần phải “số hóa khác”, ngành nông nghiệp đang đứng trước một thách thức rất lớn bởi trình độ tiếp cận công nghệ của người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế. Sản xuất, phân phối chủ yếu theo phương thức truyền thống, dẫn đến việc khá bị động trong việc lựa chọn “cây-con” phù hợp với nhu cầu thị trường.

Làm thế nào để có lực lượng “nông dân 4.0” đủ sức đảm đương “một nền nông nghiệp số”? Khi đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số phải từ cái gốc của ngành nông nghiệp, đó là từ người nông dân. Chúng ta phải tạo ra công cụ cho họ được tiếp cận khoa học công nghệ để chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất của mình”.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp
Người nông dân hiện nay đã chủ động hơn trong chuyển đổi số sản xuất nông nghiệp (Ảnh: HL)

Đây cũng là nội dung chính của tọa đàm 2 kỳ: Những rào cản khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp do VOH thực hiện qua trao đổi với các vị khách mời:

  • Thạc sĩ Dương Tôn Bảo - Phó vụ trưởng Vụ Bưu Chính - Bộ thông tin và Truyền thông.
  • Phó giáo sư Tiến sĩ Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
  • Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng
  • Bà Nguyễn Thị Thu Liên - Trưởng ban truyền thông Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo Rau hoa quả.

Nghe nội dung tại đây

Kỳ 1: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp nên bắt đầu từ đâu?”

* VOH: Thưa ông Dương Tôn Bảo, là người theo dõi trong công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp, ông có thể nêu rõ hơn về những cách làm mới trong nông nghiệp hiện nay so với cách làm truyền thống?      

- Ông Dương Tôn Bảo: Trước đây, quá trình tiếp cận đầu vào của người nông dân khá bị động, họ phải “trông trời, trông đất, trông mây”, trông vào mùa vụ. Nhưng nay với chuyển đổi số, việc cung cấp thông tin đầu vào được chuẩn bị trước thì người nông dân có thể chủ động trong việc sản xuất, chủ động nắm bắt thông tin tình hình thời tiết và các thông tin liên quan. 

Thứ hai, trong quá trình sản xuất, thay vì dùng các công cụ lao động thô sơ trước đây, nay nhờ chuyển đổi số, người nông dân có thể nắm bắt được các địa điểm bán hàng nguyên liệu trực tuyến, đặc biệt có thể dùng máy móc tự động hóa để hỗ trợ việc thu hoạch, sản xuất. Qua đó, giảm giá thành cũng như chi phí, sức lao động rất nhiều.

Trong khâu chế biến và thu hoạch, trước đây nhập thông tin sản xuất bằng cách ghi chép sổ sách, làm việc theo thói quen. Nhưng đến nay, với việc ứng dụng công nghệ số thì người nông dân đã biết sử dụng các sản phẩm, ứng dụng để làm nhật ký trong sản xuất, làm cho người nông dân thấy được quá trình sản xuất và tạo ra được dữ liệu theo mùa vụ qua các năm. Từ đó, chúng ta đưa ra giải pháp tối ưu hoá hơn tốt hơn trong sản xuất của người nông dân. 

Tiếp theo trong khâu phân phối và tiêu thụ, người nông dân sau khi làm ra sản phẩm thì trước kia thường làm cách truyền thống là mang ra chợ bán hoặc bán qua các thương lái, hoàn toàn bị động trong vấn đề tiêu thụ, dẫn đến tình trạng ép giá thu mua nông sản. Nhưng hôm nay, với công nghệ phát triển, thế giới phẳng, người nông dân đã có kênh tiêu thụ mới là bán hàng online, đặc biệt là qua các sàn thương mại điện tử. Khi người nông dân có sản phẩm, các sàn thương mại điện tử sẽ đến tận nơi hỗ trợ thu mua, quảng bá sản phẩm và thúc đẩy thương mại sản phẩm. Tôi nghĩ rằng đây là bước đầu chuyển đổi số thành công và trong tương lai chúng ta còn thúc đẩy hơn nữa.

* VOH: Thông tin khái quát từ ông Dương Tôn Bảo cho thấy, người nông dân bắt đầu biết ứng dụng công nghệ số để sản xuất nông nghiệp. Xin được hỏi thêm góc nhìn của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Thế Anh - chuyển đổi số có thể giải quyết những thách thức, khó khăn mà ngành nông nghiệp gặp phải?

- Ông Đào Thế Anh: Có thể nói, ngành Nông nghiệp hiện nay đang đối mặt nhiều rủi ro. Đầu tiên là vấn đề thị trường. Bà con nông dân rất thiếu thông tin về thị trường, các tiêu chuẩn và kênh bán hàng. Vì thế, hiện tượng được mùa mất giá vẫn còn xảy ra khá thường xuyên. Bà con nông dân và các hộ sản xuất nông nghiệp cần nhiều thông tin để có thể khắc phục những rủi ro nêu trên. Tuy vậy, cái khó nhất của bà con là tiếp cận thông tin và có thể ra quyết định sản xuất chính xác hơn.

Tôi nhấn mạnh thêm vấn đề truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất tốt thông qua công cụ chuyển đổi số như truy xuất nguồn gốc bằng blockchain. 

Như vậy, công cụ số sẽ cho phép bà con sử dụng chính xác hơn đầu vào, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí. Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu các giải pháp về nông nghiệp sinh thái và cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số phù hợp.

Một yếu tố nữa, hiện nay chúng tôi đang quan tâm nghiên cứu đó là làng thông minh ở địa phương để bà con có cơ hội tiếp cận cận các dịch vụ công của nhà nước khi nông thôn thường ở xa đô thị, trung tâm hành chính. Việc hưởng lợi các dịch vụ công còn yếu. Hy vọng thông qua công cụ chuyển đổi số trong giai đoạn tới, dựa trên cơ sở dữ liệu đang xây dựng sẽ phục vụ tốt hơn cho bà con khu vực nông thôn.

* VOH: Để quý vị hình dung rõ hơn về việc ứng dụng chuyển đổi số của người nông dân trong nông nghiệp, xin hỏi bà Nguyễn Thị Thu Liên – trong vai trò trưởng ban truyền thông Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo Rau hoa quả, bà đánh giá như thế nào về kỹ năng ứng dụng công nghệ của người nông dân?

- Bà Nguyễn Thị Thu Liên: Từ trước đến giờ, người nông dân thường sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng lõm thông tin, rất thiệt thòi trong tiếp cận thông tin. Chỉ có chuyển đổi số mới tạo ra được sự bình đẳng về thông tin.

Người nông dân nào biết cách khai thác công cụ chuyển đổi số, Internet, điện thoại thông minh thì có thể vươn lên san bằng khoảng cách thông tin giữa đô thị và nông thôn, giữa người làm các ngành công nghiệp khác với nông dân.

Quay trở lại câu hỏi của Biên tập viên, tôi thấy chính vì tầm quan trọng đó, người nông dân chúng ta nói chung rất chăm chỉ, nhạy bén với cái mới và chúng ta đang có một thế hệ nông dân trẻ bắt nhịp với đời sống hiện đại, với cách mạng công nghiệp 4.0, với trào lưu thế giới về sử dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp một cách rất nhanh và tốt.

* VOH: Thưa chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, với góc độ của ông, ông có những đóng góp gì thêm cho TPHCM phát triển nông nghiệp thông minh theo cách bền vững?

- Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Qua ý kiến của các vị khách vừa trình bày, tôi khuyến nghị 5 việc cần làm để có được nền nông nghiệp thông minh ở một đô thị như TPHCM.

Một là công tác tuyên truyền. Dù nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 đã được nói đến rất nhiều nhưng cụ thể thế nào thì cần tuyên truyền sâu hơn, hướng dẫn cụ thể nhiều hơn, đặc biệt là về các mô hình, công nghệ có thể áp dụng từ đầu vào đến đầu ra của chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Hai là phải có danh mục các thiết bị, công nghệ của nền nông nghiệp mới, của các nước phát triển cũng như của Việt Nam, và trưng bày trong các phòng thí nghiệm, triển lãm.

Ba là đào tạo người nông dân mới để họ có phong cách, ý thức trách nhiệm mới. Phải cầm tay chỉ việc, có những lớp đào tạo, tập huấn sâu sát để họ thấy được hình bóng của mình như thế nào trong cuộc cách mạng này.

Bốn là phải tạo được hệ sinh thái nông nghiệp đều và đồng bộ, tránh tình trạng có sản phẩm mà không tìm được đầu ra, hoặc có đầu ra lại không tìm được giống, công nghệ chế biến.

Cuối cùng là phải có cơ chế, chính sách để vận hành, thúc đẩy, bảo vệ các giá trị chân chính, các giá trị bền vững trong thời đại mới này.

* VOH: Như vậy, đã rõ - yếu tố đầu tiên then chốt và cốt lõi để giải quyết vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp đến từ người nông dân. Một tín hiệu đáng mừng là có một thế hệ nông dân trẻ đang trong xu hướng “bỏ phố về vườn” với hành trang là kiến thức được đào tạo bài bản về làm nông nghiệp bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường.

Dưới sự giúp sức của công nghệ, hứa hẹn quá trình thúc đẩy số hóa trong nông nghiệp thời gian tới sẽ được nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn. Muốn vậy, người nông dân rất cần sự giúp sức từ nhà nước trong việc bảo hộ và xây dựng nên các chính sách để người nông dân tiệm cận thông tin thị trường trên không gian số, các mô hình sản xuất tiên tiến… để vươn tầm ra thế giới với những nông sản “xanh và sạch” đủ tiêu chuẩn.

(còn tiếp)

Bình luận