Ông David Dương: "Luôn mong mỏi góp một điều tốt đẹp cho quê hương!"

(VOH) - Trò chuyện trực tuyến với báo chí mới đây, ông David Dương chia sẻ về những dự định ấp ủ cho dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An và luôn mong mỏi góp một điều tốt đẹp cho quê hương.

Ông David Dương hiện là Chủ tịch hôi đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt-Mỹ (VABA).

* Theo bảng xếp hạng vừa được Cơ quan truyền thông chất thải Mỹ Waste Age đánh giá và công bố, Công ty California Waste Solution (CWS) được nâng hạng từ 31 lên 23/100 công ty thu gom xử lý chất thải tại Mỹ. Xin ông chia sẻ sự thành công này?

Ông David Dương: CWS triển khai 2 hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ USD xử lý rác thải cho TP Oakland và TP San Jose thuộc bang California, Mỹ. Oakland, San Jose cùng với San francisco là 3 thành phố lớn nhất ở California.  San Jose còn là thành phố lớn thứ 10 của Mỹ. Vì đây là 2 hợp đồng của 2 thành phố lớn nên khi đánh giá thăng hạng, cơ quan truyền thông chất thải Mỹ Waste Age đánh giá cũng dựa trên qui mô xử lý, trang thiết bị và công nghệ xử lý. CWS cũng được đánh giá dựa trên hợp đồng lớn và tính bền vững của 2 hợp đồng này có thời hạn từ 15-20 năm trở lên. Trong hợp đồng có mở rộng thêm việc thu gom rác cồng kềnh giúp 2 Thành phố. Do vậy, Hội đồng đã đánh giá và nâng hạng cho CWS. Nhưng thứ hạng từ 1 đến 8 mới quan trọng hơn và CWS cũng đang hướng mục tiêu đến thứ hạng cao hơn.

Ông David Dương:
Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS); Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt - Mỹ (VABA)

*Theo ông làm gì để đạt được mục tiêu này?

Ông David Dương: Hiện tại ở Mỹ có gần 3.000 doanh nghiệp xử lý rác thải nhưng chỉ chọn ra 100 công ty hàng đầu để đánh giá xếp hạng. Mục tiêu của CWS sắp tới là phấn đấu lọt vào top 8. Để có thể thăng hạng nhanh, dự kiến CWS sẽ thuê nhóm chuyên gia môi trường đánh giá, đồng thời thu mua lại các công ty vừa và nhỏ hoặc kêu gọi các công ty này sát nhập với CWS, sẽ có 3 ngân hàng lớn tài trợ cho CWS trong việc này. Thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch đến nhiều tiểu bang đang gặp khó khăn trong xử lý rác vì những nơi này đang ký hợp đồng ngắn hạn, chỉ từ 3-4 năm. CWS đang làm việc với Thị trưởng các tiểu bang miền Đông và đang trình hợp đồng thu gom rác tối thiểu 15 – 20, hoặc 35 năm. Thời gian hợp đồng càng dài, giá trả cho thu gom, xử lý càng rẻ. Chắc chắn sắp tới, công ty sẽ mở rộng ở miền Đông. Có thêm thị trường, chúng tôi sẽ được tăng được phần đánh giá về tăng trưởng, đồng thời giúp thành phố xem xét lại quy định, có những ký kết hợp đồng dài hạn hơn để các công ty tham gia đấu thầu, có giá rẻ hơn nhưng xử lý, thu gom rác tốt hơn.

*Được biết mới đây, ông đã gặp bà Maggie Hasan, Thượng nghị sĩ Bang New Hampshire và ông Tim Scott, Thượng nghị sĩ Bang South Carolina. Ông đã đề xuất gì với họ?

Ông David Dương: Tôi là Chủ tịch Hiệp hôi Doanh nhân Việt - Mỹ (VABA). Do sắp đến có cuộc bầu cử nên Thượng nghị sĩ muốn tôi giúp họ lấy được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt tại tiểu bang của họ. Nhân dịp này, tôi đặt vấn đề xa hơn về đất nước Việt Nam, trong đó chính yếu vẫn là họ nghĩ gì về Việt Nam; trong tương lai, những quyết sách của họ có giúp ích gì cho Việt Nam, cho cộng đồng người Việt tại Mỹ hay không?. Tôi muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp cho đất nước Việt Nam. Qua những cuộc gặp gỡ này, các thượng nghị sĩ đánh giá cao đóng góp của công động người Việt, trong đó ngày càng nhiều doanh nhân thành đạt.

* Tại Việt Nam, ngoài Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, ở huyện BÌnh Chánh, TPHCM, VWS còn đầu tư vào dự án Khu Công nghệ Môi trường Xanh ở Long An? Ông cho biết thêm về dự án này?

Ông David Dương: Dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh ở Long An có quy mô lớn với các công nghệ phù hợp nhất để xử lý rác cho TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được triển khai trên khu đất 1.760ha tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có vốn đầu tư ban đầu giai đoạn 1 khoảng 800 triệu USD, quy mô xử lý ước tính khoảng 30.000 tấn/ngày. Thời gian qua, do yêu cầu thay đổi công nghệ, giảm việc chôn lấp rác,… nên chúng  tôi dự định sẽ chuyển đổi một phần công năng để xây dựng khu công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp xây dựng khu dân cư, trường học, bệnh viện để phục vụ cho khu công nghệ cao.

Ông David Dương:
Phối cảnh 3D khu công nghệ Môi trường Xanh ở Long An

* Xin ông nói rõ hơn dự định đầu tư khu công nghệ cao của dự án này?

Ông David Dương: Trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn rút khỏi Trung Quốc và chuyển hướng đầu tư sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội cho chúng ta nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam. Tôi cùng các thành viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt - Mỹ cũng rất tích cực vận động, kêu gọi doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực công nghệ cao, qua trao đổi một số nhà đầu tư Mỹ cho rằng ở Việt Nam chưa có khu công nghệ cao nào đạt chuẩn như mong muốn của họ. Vì thế, tôi muốn tạo ra một sự khác biệt khi dự định đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể là sau nhiều lần gặp gỡ và làm việc với một số doanh nghiệp tại Silicon Valley, tôi dự định đem “đầu rồng” (công ty lớn nhất về sản xuất linh kiện máy tính tại thung lũng Silicon) về khu công nghệ cao tại Long An. Thời gian đầu, tôi sẽ mời gọi khoảng 5 hoặc 7 doanh nghiệp về đầu tư, xây dựng khu công nghệ cao đúng chuẩn với nhiều tiện tích như nói ở trên.

Giới chuyên gia Mỹ và gia đình của họ thường sang các nước khi đáp ứng đầy đủ các tiện ích đi kèm, như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí… Tôi kỳ vọng với việc tạo ra một dự án khu công nghệ cao quy mô lớn, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ đến Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực này. Tôi luôn tâm niệm: “Nếu chỉ để kiếm tiền, tôi có thể đầu tư nhiều nơi. Nhưng đầu tư về quê hương mình, về nơi chôn nhau cắt rốn còn có một ý nghĩa khác to lớn hơn nhều. Tôi luôn mong mỏi được góp một điều tốt đẹp cho quê hương!”

* Xin cám ơn ông

Bình luận