Du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây lại là một trong những nhu cầu gắn bó với đời sống xã hội, bên cạnh đó là sự đòi hỏi ngày càng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nên theo dự báo của các chuyên gia, ngay khi đại dịch qua đi, ngành du lịch sẽ hồi sinh trở lại và cần một lượng lớn nhu cầu nhân lực chất lượng cao và thích nghi với tình hình mới.
Theo các báo cáo thống kê, doanh thu của ngành du lịch lữ hành tại Việt Nam 5 tháng đầu năm nay, trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào khoảng hơn 4,3 ngàn tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm trước. Khoảng 95% cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, 30% doanh nghiệp du lịch có nguy cơ đóng cửa, 85% nhân lực ngành du lịch nghỉ việc hoặc tạm chuyển đổi ngành nghề để kiếm sống như bất động sản, bảo hiểm, shipper....
Còn theo thống kê của Sở Du lịch PHCM, hiện có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường trong nước đã tạm ngưng hoạt động. Tính cả năm 2020 và hết quý II năm 2021, tổng cộng có trên 170 doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, số còn lại cũng hoạt động cầm chừng hoặc chuyển hướng kinh doanh.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, thì đến cuối năm 2022, ngành du lịch sẽ bắt đầu khởi sắc. Lúc đó, du lịch sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Ông Huỳnh Chí Công – Phó Giám đốc Điều hành và Hướng dẫn viên - Công ty Du lịch Bến Thành cho biết, đối mặt với nguy cơ thiếu nhân lực khi trở lại, các công ty đã chuẩn bị các phương án để hoạt động du lịch trở lại: "Trong giai đoạn đầu phục hồi, hình thức du lịch sẽ hạn chế hơn so với trước đây để đảm bảo an toàn, các loại hình thức ăn đường phố, điểm vui chơi ban đêm,… sẽ không còn như trước. Tuy nhiên, dù phải đi du lịch với chiếc khẩu trang trên mặt, nhưng du lịch vẫn là một nhu cầu có thật trong đời sống xã hội".
Còn theo ông Trần Anh Tuấn - Sáng lập viên chuỗi nhà hàng Bò Cộng Saigon chia sẻ cơ hội của nhà hàng, du lịch sẽ trở lại từ năm 2023. Nhìn từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trong lịch sử thế giới cho thấy, du lịch, lữ hành, nhà hàng,… là những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Tuy nhiên khi khủng hoảng qua đi, sẽ là cơ hội lớn để các ngành này ‘trở mình’. Để làm được điều này, các doanh nghiệp đã phải lên kế hoạch dài hơi để có thể cầm cự đến hết năm 2022.
Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển nhân lực ngành du lịch TPHCM trong tình hình mới”, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định, tác động của đại dịch Covid-19 vô cùng nặng nề, tuy nhiên về lâu dài thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng so với nhu cầu của sự phát triển. Ngành nghề nào hiện tại đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì sẽ hồi phục và đi lên nhanh nhất, những ngành nghề gắn với kinh tế số và nghề đáp ứng được nhu cầu thực tế thì luôn luôn có nhu cầu và thu nhập sẽ cao.
"Để có thể kiên trì vượt qua đại dịch chờ đến ngày du lịch bùng nổ trở lại quả thật không dễ dàng gì. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các bạn trau dồi kỹ năng, chuyên môn và sự thích ứng với du lịch trong giai đoạn hậu đại dịch. Khi đó những nhân lực có trình độ, chuyên môn, sáng tạo và tận tâm với nghề sẽ là những nhân lực đắt giá và được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn", ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch đặt mục tiêu tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 – 14%/năm. Năm 2030 tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 – 9%/năm.
Ngoài dịch bệnh Covid-19, cuộc cách mạng công nghệ số cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực du lịch TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Và để phát triển nguồn nhân lực du lịch thời gian tới, các chuyên gia đề xuất phải tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong toàn ngành về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch. Mỗi lao động trong ngành cần tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ - đặc biệt là kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc, sẵn sàng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới phục vụ công việc của bản thân.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý du lịch các cấp, cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của đội ngũ nhân viên ngành, khách du lịch và cộng đồng về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch; tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch cũng là những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho lực lượng lao động toàn ngành.
Đồng thời, đổi mới chương trình, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo du lịch trong cả nước để đảm bảo nguồn nhân lực trong tương lai có thể đáp ứng ngay các vị trí việc làm với yêu cầu về trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc.
Một nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như dịch vụ du lịch. Đây cũng được coi là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn cho ngành công nghiệp không khói tại TPHCM và cả nước.