Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: năm 2024 định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%

VOH - Sáng 3/1, họp báo trực tuyến, Ngân hàng nhà nước cho biết, năm 2023 tăng trưởng tín dụng đạt 13,5% với 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhìn nhận, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2023 đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2-3,4%. Hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Năm qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các Ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% 1
Ngân hàng Nhà nước họp báo trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 - Ảnh: Lệ Loan

Nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% - thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng… cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%.

Ông Đào Minh Tú đánh giá tăng trưởng dù không đạt được kỳ vọng 6,5% nhưng cũng đạt được 5,5%, là mức rất cao so với nhiều quốc gia, nhiều nước trong cả khu vực cũng như thế giới.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ phân tích thêm: “Những khó khăn của nội tại nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu rất rõ ràng. Đến nay các ngân hàng trung ương lớn vẫn chưa hạ lãi suất, duy trì mức lãi suất mặt bằng rất cao và vì vậy khả năng các nền kinh tế suy thoái nhẹ là có thể xảy ra. Do đó thì xu hướng xuất khẩu giảm, tác động rất lớn đến kinh tế.

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, với xu hướng tiếp tục suy giảm trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cần phải có biện pháp thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế thông qua việc làm, tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế”.

Về hỗ trợ tín dụng để tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết thêm, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 6,75%. Kinh doanh bất động sản đạt mức tăng khoảng 22%, chiếm tỷ trọng khoảng 36%. Tiêu chuẩn sử dụng bất động sản chiếm khoảng 64%, giảm 0,07%.

Đến nay, các ngân hàng thương mại đã cam kết tín dụng cho 12 dự án với tổng số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng, giải ngân là 428 tỉ đồng. Chương trình này được triển khai trong đề án hỗ trợ căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới tiến độ giải ngân của gói này sẽ được thúc đẩy” - Bà Hà Thu Giang cho biết.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Bình luận