Quy trình giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại - bất cập giữa quy hoạch và thực thi (P.1)

(VOH) – Quyết định 2032 của UBND TPHCM phê duyệt phương án quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM đã triển khai được 2 năm.

Quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn TP - yêu cầu cấp thiết

Các lò mổ gia súc, gia cầm thủ công vẫn hoạt động bình thường, thậm chí đang cung cấp khối lượng rất lớn thịt heo trên thị trường. Chủ trương thành phố quyết tâm quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại để bảo đảm nguồn heo sạch cung cấp cho thị trường.

Nhưng đến nay, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm khi phải đối mặt với thị trường thịt heo được cung cấp từ nhiều nguồn giết mổ thủ công. Với thị trường tiêu thụ hơn 1.000 tấn thịt mỗi ngày, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nguồn cung thịt heo sạch vẫn đang là thách thức lớn cần sớm có lời giải.

Thực tế việc giết mổ gia súc, gia cầm theo quy trình hiện đại được triển khai tới đâu? Tại sao các lò giết mổ thủ công vẫn đang hoạt động bình thường? Các giải pháp nào để hỗ trợ, hiện thực hoá quy hoạch giết mổ hiện đại, bảo đảm được thị trường thịt heo sạch?

Chưa khả quan

Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở một đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất nặng nề, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khỏe của người dân Thành phố.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Thành phố, tổng lượng gia súc, gia cầm của Thành phố, từ các tỉnh, nhập khẩu và sản phẩm chế biến tiêu thụ trên địa bàn Thành phố bình quân khoảng 1.350 tấn/ngày, tương đương bao gồm 10.000 con heo, 1.200 con trâu bò, 260 ngàn con gia cầm.

Ông Lê Việt Bảo, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố thông tin: Từ năm 2012, Sở đã tổ chức ký kết, thỏa thuận hợp tác cung ứng, tiêu thụ thực phẩm từ động vật đảm bảo an toàn thực phẩm với Sở Nông nghiệp các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu. Việc ký kết này đã giúp TPHCM kiểm soát nguồn thực phẩm động vật chiếm trên 80% nguồn gia súc, gia cầm cung ứng từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ.

Trong khi ngành nông nghiệp Thành phố có thể chủ động khâu giết mổ gia cầm với tổng công suất các cơ sở giết mổ khoảng 250.000 đến 300.000 con/ngày và nguồn cung thịt bò, trâu chủ yếu từ các địa phương khác như Long An thì bài toán giết mổ heo vẫn đang trong giai đoạn khẩn trương thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để giải quyết.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Thành phố, cho hay quy mô giết mổ, nếu hình thành theo Quy hoạch 2032 của UBND TP phê duyệt, lẽ ra đến cuối năm 2017 đã hình thành 6 cơ sổ giết mổ công nghiệp. Tuy nhiên, đến giờ phút này thì tình hình vẫn còn chưa khả quan mặc dù Thành phố đã nỗ lực rất nhiều.

Hiện Thành phố có 6 nhà máy giết mổ heo công nghiệp với 4 cơ sở đóng trên địa bàn huyện Củ Chi (xã Tân Thạnh Tây, Tân Phú Trung, Bình Mỹ và xã Phước Thạnh) với tổng công suất khoảng 8.000 con/ngày. Còn lại là hai cơ sở ở Hóc Môn là Nhà máy Giết mổ tại xã Xuân Thới Thượng do Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn làm chủ đầu tư, công suất 2.000 con/ngày và Nhà máy Chế biến thực phẩm Tân Hiệp, xã Tân Hiệp do Hợp tác xã Tân Hiệp làm chủ đầu tư, công suất 2.000 con/ngày.

Quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn TP

Ảnh minh họa.

Vướng nhiều khâu

Vì vẫn còn vướng nhiều khâu thủ tục, nên đến nay, chỉ có Nhà máy Giết mổ tại xã Xuân Thới Thượng đã hoàn chỉnh và được vận hành. Theo đại diện Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố, đề án giết mổ được Thành phố đưa ra từ lâu và lẽ ra phải áp dụng rồi. Nhưng vì thực tế có nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trong thiết kế, trong năng lực của doanh nghiệp nên năng lực giết mổ hàng đêm vẫn còn quá ít.

Hiện nay Thành phố chỉ mới có 1 cơ sở giết mổ hiện đại ở Xuân Thới Thượng, Hóc Môn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Việc đầu tư xây dựng lò giết mổ phải tuân thủ nhiều quy định của nhiều Sở ngành khác nhau, tổng cộng mất đến 254 ngày.

“Tổ Công tác Hỗ trợ thủ tục xây dựng các nhà máy giết mổ gia súc gia cầm đã rất nỗ lực trong việc giúp cho các chủ đầu tư sớm có được những thủ tục tại các sở, ngành mà mình phụ trách. Tuy nhiên, các thủ tục này phải qua rất nhiều công đoạn cũng như nhiều sở, ngành. Phải xong thủ tục tại sở này thì mới qua thẩm quyền của sở khác. Vì vậy, đây là một điều rất trăn trở của tổ công tác trong việc làm sao để thúc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục”, ông Lê Việt Bảo, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố, nêu thực trạng.

Rõ ràng, việc triển khai các nhà máy giết mổ hiện đại còn chậm so với tiến độ đề ra và phần lớn thịt hiện nay "ra lò" từ các cơ sở giết mổ thủ công đã ít nhiều cản trở ngành chăn nuôi phát triển.

Ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn, Chủ đầu tư Dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng, cho rằng đầu tư công nghiệp này phải chờ đợi, nhưng chờ hết năm này qua năm khác thì rõ ràng rất khó khăn cho Quyết định 2032 của UBND Thành phố về xây dựng các nhà máy công nghiệp. Nên năm 2018 Thành phố phải phải chấm dứt mổ thủ công để các nhà máy hoạt động công nghiệp. Thành phố chỉ có thể thành công xây dựng nhà máy công nghiệp thì ít nhất phải chất dứt hoạt động thủ công.

Phải chấm dứt giết mổ thủ công

Dự báo đến năm 2020, dân số Thành phố chưa kể khách vãng lai là 10 triệu người. Theo đó, nhu cầu thịt tươi cho người tiêu dùng Thành phố và chế biến thực phẩm cung cấp cho Thành phố tương ứng khoảng 1.600 tấn/ngày, tương ứng khoảng 12.500 con heo, 1.400 con bò, 320 ngàn con gia cầm. Với số lượng và khối lượng lớn như thế, đòi hỏi đầu tư công nghệ hiện đại mới có thể đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng.

Ông Trần Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn, nêu ý kiến muốn cho chủ trương Thành phố có thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng tốt cho người tiêu dùng thì phải đầu tư công nghệ giết mổ cho tốt. Hệ thống giết mổ hiện đại của châu Âu hoàn toàn giết mổ treo, kiểm soát hoàn toàn tự động đồng thời có hệ thống kho lạnh để bảo quản, để trữ. Như vậy đảm bảo chất lượng khi giết mổ rất tốt, không bị nhiễm các loại vi sinh nên đảm bảo chắc chắn an toàn cho người tiêu dùng Thành phố.

Quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm theo hướng công nghiệp là chủ trương đúng đắn của chính quyền Thành phố và giải quyết tận gốc bài toán nguồn cung heo sạch cho người dân.

Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện điều này. Vậy đâu thực sự là điểm nghẽn, vướng mắc cho bài toán quy hoạch giết mổ theo hướng công nghiệp?

>>>> Quy trình giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại - bất cập giữa quy hoạch và thực thi (P.2)