Quy trình giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại - bất cập giữa quy hoạch và thực thi (P.2)

(VOH) – Muốn tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất, rất cần tổ chức tuyên truyền thay đổi tập quán thói quen của người tiêu dùng sử dụng thịt mát, cấp đông.

Cần thay đổi tâm lý tiêu dùng để mở đường cho thịt sạch

Người tiêu dùng hiện vẫn giữ thói quen mua thịt “nóng” ở ngoài chợ, chẳng hạn như thịt heo mổ thủ công, rồi đem về rửa và chế biến thì cho là thịt tươi, sạch. Điều này vô hình chung khiến cho ngành chăn nuôi muốn định hướng theo sản xuất an toàn, thực hiện quy trình giết mổ công nghiệp nhằm đảm bảo vệ sinh thực phẩm gặp phải trở ngại, thách thức không hề đơn giản.

Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh hiện đại như siêu thị, đại siêu thị mới chỉ chiếm 15%; Còn lại chủ yếu tiêu thụ qua kênh truyền thống chiếm gần 85%.

Cái khó ở đây là việc kiểm soát chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm không dễ. Tâm lý e dè, hạn chế sử dụng sản phẩm mát, cấp đông, đặc biệt là các loại thịt vẫn rất phổ biến ở phần đông người tiêu dùng.

Bà Lê Thị Liên, ở Phường 13 quận 5 cho hay thường mua thịt ngoài chợ. Thịt nóng đương nhiên ngon hơn thịt đông lạnh vì dẻo, ngon. Thỉnh thoảng có mua thịt cấp đông. Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm 100% thì tôi cũng chưa tin.

Cần thay đổi tâm lý tiêu dùng

Người dân có thói quen mua thịt heo tươi (nóng) mà ít chọn loại cấp đông (mát). Ảnh chụp tại siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: TTO

Thịt cấp đông đảm bảo chất lượng

Chính quyền TPHCM các cấp cùng ban ngành chức năng thời gian qua đã không ngừng nỗ lực quy hoạch ngành chăn nuôi với mục tiêu đem đến nguồn thịt sạch theo chủ trương từ chuồng trại đến bàn ăn.

Trên thực tế, Thành phố đã tiến hành rà soát toàn bộ lò mổ thủ công và áp đặt những tiêu chuẩn chung bao gồm giết mổ treo, lắp đặt camera giám sát, hệ thống xử lý nước thải cũng như lực lượng thú y túc trực để giám định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của gia súc, gia cầm trước lẫn sau khi thực hiện giết mổ. Với những cơ sở không đáp ứng được tiêu chuẩn đã buộc phải ngưng hoạt động.

Ông Phạm Thanh Vũ, Phó trưởng Trạm Thú y huyện Củ Chi cho biết cán bộ Thú y kiểm tra lâm sàng khỏe mạnh bình thường thì mới cho công nhân giết mổ. Kiểm soát giết mổ phần thân thịt cũng như phủ tạng, nếu heo đảm bảo thì đưa ra thị trường, nếu không thì sẽ cách ly. Ở đây tất cả góc nhìn đều có trang bị camera và có màn hình camera hiển thị trong cơ sở giết mổ. Sau giờ đưa heo vào, cán bộ Thú y không cho bất cứ công nhân nào xuống khu vực tồn trữ thú sống nên tình trạng tiêm thuốc an thần không thể thực hiện tại cơ sở giết mổ.

Tuy vậy, mọi chính sách, giải pháp, nguồn lực cùng công sức đầu tư, thực hiện dù quy mô ra sao vẫn phải tuân theo luật chơi của thị trường vốn phụ thuộc vào thói quen người tiêu dùng bấy lâu nay.

Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Củ Chi nhận định: qua tham khảo các chủ cơ sở thì họ đã quen, truyền thống của họ cũng vài chục năm nay. Một số cơ sở nói bây giờ giết mổ thủ công sẽ thuận lợi, dễ dàng, gần nơi hơn và thịt sẽ kịp thời, sẽ nóng hơn... Cho nên tâm lý người dân thích ăn thịt nóng, tức là thịt tươi, làm xong phân phối liền. Còn lò giết mổ công nghiệp phải qua đông lạnh, đồng thời còn qua nhiều thủ tục với lại người dân cũng chưa quen, chưa hiểu, chưa thấy nên cũng có băn khoăn.

Cần thay đổi tâm lý tiêu dùng

Tâm lý thích thịt "nóng"

Cơ sở giết mổ công nghiệp với dây chuyền lớn, hiện đại được nhập khẩu từ các nước phát triển, chi phí lớn, đi vào hoạt động luôn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do chưa liên kết tốt từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Thương lái hay người thu mua heo hầu như chỉ lựa chọn lò mổ thủ công do chi phí thấp. Bên cạnh đó, họ chủ động được thời gian giết mổ, khi chợ có giá, thương lái sẽ đưa heo về chợ nhanh, và khi chợ đứng giá, thương lái sẽ dừng giết mổ lại. Quan trọng hơn, chính thói quen người tiêu dùng lựa chọn thịt “nóng” đang đóng vai trò yếu tố quyết định thị trường. Đó là chưa kể tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ của bà con.

Ông Võ Văn Quý, chủ cơ sở giết mổ gia súc Hòa Phú ở Củ Chi chia sẻ: “Dân mình còn nuôi heo nhỏ lẻ 1 – 2 con, bây giờ bắt vô công nghiệp, hổng lẽ thương lái giờ 6 chủ, một chủ mổ 2 con, 3 con, 4 con chở vô... công nghiệp ai cho làm. Dân còn nuôi heo nhỏ lẻ thì sao vô lò công nghiệp, nếu không có thì buộc ở nhà mổ. Chứ lái thì lúc nào cũng chọn lò thủ công nó tiện hơn.“

Tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen

Do vậy, muốn tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất, rất cần tổ chức tuyên truyền thay đổi tập quán thói quen của người tiêu dùng sử dụng thịt mát, cấp đông.

Tại những lò mổ công nghiệp, heo được giết mổ treo, loại bỏ mọi nguy cơ nhiễm khuẩn rồi đưa vào kho lạnh để ổn định chất lượng thịt, đảm bảo dinh dưỡng của sản phẩm. Tuy nhiên, do thêm khâu xử lý và thời gian nên chi phí sản xuất thịt heo sạch cao hơn thịt heo thường khiến người tiêu dùng khó chấp nhận với sản phẩm được chứng nhận là sạch.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố, nhấn mạnh: “Luôn luôn chúng ta có một thành kiến, mà thực ra thì nó cũng thực tế phần nào. Muốn sạch thì phải đầu tư nên giá cao hơn; còn rẻ có thể mai sau phải trả chi phí cho khám chữa bệnh và những thiệt hại về sức khỏe, khi đó tính ra còn đắt hơn. Thời gian qua, chính quyền có những hình thức về quảng bá tuyên truyền, thậm chí trong một số trường hợp có trợ giá. Nhưng điều quan trọng nhất, vẫn là sự ủng hộ của người dân.”

Có thể nói, “rào cản” lớn nhất hiện nay chính là tâm lý phần đông người tiêu dùng chỉ sử dụng thịt nóng mà bỏ qua sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông.

Bài toán khó này đã được nhận diện. Nhiệm vụ hết sức cụ thể cho chính quyền cùng ban ngành chức năng phải làm sao thay đổi được thói quen, nhận thức của người dân. Điều này sẽ tạo thêm động lực để Thành phố hoàn chỉnh hạ tầng giết mổ công nghiệp hiện đại, góp phần đảm bảo nguồn thịt sạch từ chuồng trại đến bàn ăn.

Video Clip quy trình giết mổ hiện đại tại nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng

>>>> Quy trình giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại - bất cập giữa quy hoạch và thực thi (P.3)