RCEP - UKVFTA Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam với thị trường thế giới - kết nối cung cầu

(VOH) - Hội nghị “RCEP - UKVFTA Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam với thị trường thế giới - kết nối cung cầu” diễn ra vào sáng nay 15/1.

Hội nghị do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM (VCCI), Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức.

Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định UKVFTA, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

hội thảo, hiệp định thương mại tự do, voh.com.vn
Hội nghị “RCEP - UKVFTA Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam với thị trường thế giới - kết nối cung cầu” 

RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu (26,2 ngàn tỉ đô la Mỹ), được kỳ vọng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới cho thương mại khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Mười – Trưởng ban Truyền thông và Sự kiện Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Nhiều doanh nghiệp thực sự chưa nắm được các thông tin liên quan đến cơ hội và thách thức của RCEP. Vì vậy Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị này, mục đích là cung cấp thêm cho các doanh nghiệp những thông tin liên quan đến các cơ hội và thách thức của RCEP mang lại đối với nền kinh tế Việt Nam”.

Ngoài việc mở cửa cho các nước RCEP về thương mại dịch vụ, Hiệp định áp dụng quy chế quốc gia trong thương mại hàng hóa đối với tất cả các hàng hóa được phép. Mặc dù điều này không thay đổi nhiều đối với thương mại giữa các nước ASEAN, nhưng nó đã làm giảm thuế quan của nhiều nước RCEP đối với hàng hóa Trung Quốc.

Các nhà sản xuất Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn, do đó phải giảm giá và giảm lợi nhuận để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc Điều hành Công ty Vina T&T Group nói: “Đối với Hiệp định RCEP, áp lực sẽ cực kỳ lớn đối với ngành hàng nội địa của chúng ta, vì các nước đã có một nền tảng xuất khẩu và những Hiệp định này đã có từ nhiều năm trước rồi. Việt Nam mới tham gia và cần thời gian để thay đổi từ chính bà con nông dân – người trồng trọt. Người nông dân cần nâng tầm trong việc trồng trọt và các doanh nghiệp cũng phải nâng tầm quản trị lên nhưng giá thành sản phẩm lại phải thấp xuống. Có thể người hưởng lợi nhiều nhất trong việc này sẽ là người tiêu dùng của các nước vì giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn, minh bạch hơn và sự cạnh tranh sẽ công bằng hơn”.

Bên cạnh RCEP, để có thể chinh phục thị trường Anh, Hiệp định UKVFTA đòi hỏi hàng hóa phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng đề ra. Với các FTA thế hệ mới, cùng với các biện pháp hỗ trợ, sẽ sớm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường và phục hồi sản xuất tốt hơn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt thực hiện các hoạt động xuất khẩu, gia tăng triển vọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI chi nhánh TPHCM nhận định: “Sự tiếp bước cho Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) thì Hiệp định UKVFTA sẽ là một Hiệp định để duy trì thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh được thuận lợi. Song song đó, Hiệp định UKVFTA được sinh ra và có hiệu lực sẽ tạo sự ổn định về thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Anh quốc khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu”.

Bình luận