Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại: Đưa thủy sản Việt Nam vươn tầm cao mới

(VOH) - Mặc dù ngành thủy sản còn đối mặt nhiều thách thức, tuy nhiên, nếu biết tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, ngành thủy sản, xuất khẩu thủy sản vẫn có nhiều cơ hội để phát triển.

Từ năm 2010 đến nay, ngành thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn trở ngại. Đầu tiên, sự khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động mạnh đến xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản, khiến ngành chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận bị sụt giảm, khó khăn tài chính đè nặng lên doanh nghiệp.

Sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế, ngành thủy sản Việt Nam bắt đầu hồi phục và đạt kỷ lục vào năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu gần 9 tỷ đô la Mỹ.

thủy sản, xuất khẩu thủy sản, voh.com.vn
Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội (Ảnh: TTO)

Đây là con số đánh dấu mốc vàng son cho ngành thủy sản Việt Nam tính tới thời điểm hiện nay, góp phần xây dựng ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nằm trong nhóm 4 quốc gia cung cấp thủy sản lớn trên thế giới.

Để tiếp tục trụ vững vị trí mà ngành thủy sản Việt Nam đã giành được đòi hỏi các doanh nghiệp phải tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua.

Ngành thủy sản chuyển đổi theo các tiêu chuẩn quốc tế

Trong 5 năm qua, ngành cá tra đã thực hiện chuỗi khép kín từ nuôi trồng đến chế biến theo các tiêu chuẩn quốc tế; ngành tôm cũng đang có xu hướng hoàn thiện quy trình khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, ngành khai thác biển cũng dần đi theo các tiêu chuẩn, quy định của thị trường xuất khẩu.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh Khánh Hòa năm 2020 có diện tích nuôi trồng thủy sản là hơn 4.300 ha, với sản lượng 14.400 tấn, tăng 28,6% so với năm 2019. Toàn tỉnh hiện có 44 doanh nghiệp chế biến thủy sản đạt chuẩn xuất khẩu.

“Về nuôi trồng thủy sản hiện nay, toàn tỉnh năm 2020 tăng 28,6% so với năm 2019. Phương thức nuôi đã được chuyển dần theo hướng công nghiệp, xây dựng và chuyển giao các mô hình nuôi an toàn sinh học, từng bước tổ chức nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh và nhiều mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, triển khai nuôi tôm kết hợp với nuôi tôm thòng lòng, cá chẽm, cá bớp theo công nghệ. Về khai thác thủy sản, tổ chức vùng đánh xa bờ và ven bờ được kiểm soát một cách chặt chẽ và đảm bảo với các quy chuẩn quốc tế và chế biến thủy sản xuất khẩu là chủ yếu”, ông Tuân cho hay.

Trong năm 2020, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019. Trong đó, khai thác ước đạt trên 3,84 triệu tấn, tăng 2,5%; nuôi trồng đạt khoảng 4,56 triệu tấn, tăng 1,4%.

Để tiếp tục duy trì được những kết quả trong thời gian qua, cần có những hành động cụ thể. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Thứ nhất, cần phải duy trì tốc độ xuất khẩu, tăng trưởng vào các thị trường hàng năm. Thứ hai, ứng dụng tăng được kim ngạch xuất khẩu vào thị trường có lợi thế về FTA đây là một lợi thế cho các ngành hàng về hải sản. Thứ ba đa dạng nguồn nguyên liệu hải sản Việt Nam thay vì chỉ từ Việt Nam mà còn có thể từ nguồn nhập khẩu - trên cơ sở có thể đảm bảo được và nhanh chóng được gỡ bỏ thẻ vàng IUU cũng như duy trì sự phát triển kết nối giữa các thành viên”.

Ngành thủy sản phải vượt qua nhiều thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như quy mô sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý, hệ thống hạ tầng còn yếu kém, thiếu đồng bộ, vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn thiếu, tổ chức sản xuất chưa hiệu quả, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành thủy sản còn thấp.

Ngành thủy sản bắt đầu bộc lộ những thiếu sót trong công tác quản lý chuỗi; bị thẻ vàng chống khai thác IUU của Ủy ban châu Âu cho hải sản và chương trình SIMP cho ngành tôm xuất khẩu vào Mỹ; các vụ kiện chống bán phá giá cá tra và tôm đã diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, tỷ lệ tiêu thụ thủy sản giảm đáng kể.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh việc tận dụng tốt các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết thì đó cũng là một lợi thế của ngành thủy sản trong thời gian tới.

“Việt Nam tham gia 14 hiệp định thương mại tự do, trong đó phải kể đến hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là một hiệp định có độ mở rất cao, hầu hết các mặt hàng nông sản của chúng ta đã sớm về thuế bằng 0. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP, thì vừa được ký vào tháng 11/2020, sẽ tạo ra được nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng thủy sản.

Các doanh nghiệp thủy sản cần tập trung tận dụng triệt để ưu thế từ những hiệp định trên mang lại. Từ khi EC áp cảnh báo thẻ vàng, đối với sản phẩm khai thác thủy sản Việt Nam đến nay là tròn 3 năm. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội đã đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bà con ngư dân và các doanh nghiệp, đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để sớm tháo gỡ thẻ vàng. Tuy vậy, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu trên", ông Lê Quốc Doanh đánh giá.

Việc đáp ứng đủ và kịp thời các yêu cầu, quy định của các hiệp định thương mại vừa được Nhà nước ký kết không phải là không làm được, tuy nhiên cần có lộ trình đối với các doanh nghiệp và người nông dân.

Trong thời gian tới, để ngành thủy sản tiếp tục phát triển bền vững, tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định đã ký kết, đòi hỏi các doanh nghiệp, người nông dân cần có trách nhiệm chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện đúng và tuân thủ các quy định về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản để phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước trong khu vực và thế giới.

Việc tuân thủ đó không chỉ làm tăng uy tín, chất lượng sản phẩm của quốc gia mà còn là tiền đề để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp, tăng thu nhập bền vững và ổn định cho người nông dân.