Chờ...

'Startup' nông nghiệp nghĩ cách vượt khó trong đại dịch Covid-19

(VOH) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều start-up lĩnh vực nông nghiệp nhưng bằng nhiều nỗ lực, các doanh nghiệp này vẫn vươn lên.

Tại vòng bán kết cuộc thi Câu chuyện khởi nghiệp - Kinh doanh thời Covid do có 37 câu chuyện của các bạn trẻ được chia sẻ đến Ban giám khảo. Mỗi câu chuyện khác nhau nhưng tựu trưng lại đều là những nỗ lực của  các "start-up" trong việc thoát khỏi những khó khăn, bất cập và sẵn sàng dương đầu với mọi thử thách để vươn lên trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Startup nông nghiệp nghĩ cách vượt khó trong đại dịch Covid-19 1


Nguyễn Ngọc Hương đang trình bày phần thi với ban giám khảo. 

Phan Minh Tiến - Giám đốc công ty TNHH dừa nước Việt Nam - VietNipa (Cần Giờ) cho biết, trong thời điểm dịch covid 19, công ty tập trung xây dựng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018; Tối ưu hóa mô hình bán hàng đa kênh và hoàn thiện các quy trình chăm sóc khách hàng; Tập trung nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm mới; Tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng.

Nỗ lực theo đuổi 4 mục tiêu nên tháng 9/2021, Trung tâm chứng nhận phù hợp (QUACERT) đã chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018 cho VietNipa. Tiếp đó, tháng 11/2021, VietNipa được Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chứng nhận sản phẩm của công ty; Ra mắt sản phẩm mới là đường bột dừa nước, đường dừa nước cô đặc có chỉ số đường huyết thấp (GI-16,69) phù hợp cho người bệnh tiểu đường.

“Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp ngưng quảng cáo vì khó vận chuyển đơn hàng. Nhưng với chúng tôi, đây là cơ hội nên vẫn duy trì hoạt động quảng cáo bán hàng trong mùa dịch. Sau khi chốt đơn xong, chúng tôi giải thích với khách hàng về tình hình hiện tại chưa giao hàng được và hẹn sẽ giao ngay khi dịch tạm lắng. Khách hàng hầu hết đều thông cảm. 

Vì vậy, khi hàng hóa được lưu thông trở lại, công ty đã giao được gần 80% đơn hàng đã hứa với khách. Cách này giúp tối ưu hóa mô hình kinh doanh, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp", Minh Tiến cho biết. 

Lắng nghe Minh Tiến trình bày, ông Dương Đức Minh - Viện phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TPHCM chia sẻ thêm, sắp tới TP sẽ có hoạt động gắn kết các sản phẩm du lịch với hệ sinh thái sinh kế bản địa trong bối cảnh phục hồi du lịch với các tour chỉ đi trong thành phố. 

“Từ câu chuyện của Tiến, chúng tôi đã có sản phẩm để kết nối mục tiêu đang theo đuổi” - ông Dương Đức Minh nói.

Nguyễn Thị Các Thủy kinh doanh thương hiệu các món bánh, mứt Tư Bông (Công ty TNHH Tây Cát - Đồng Tháp) và các sản phẩm quà quê phục vụ cho cửa hàng dịch vụ, du lịch. Dịch Covid-19 khiến các ngành này suy yếu, lây lan cho cả công ty. Hàng hóa trả về cho công ty rất nhiều khiến sản xuất thu hẹp, phải bớt nguồn lao động.

Trước tình hình này, chị Thủy nhận ra những thiếu sót trong kinh doanh bao năm qua đồng thời cũng cảm thấy, dịch là cơ hội thay đổi cách vận hành.

“Lúc đó, tôi nghĩ còn lâu dịch mới tới mình. Nếu dịch có tới chăng nữa thì cũng không có gì phải lo vì đây là công ty gia đình, không sợ “đói”. Khi dịch đến thì tôi suy nghĩ, tự hỏi, làm sao có thể để cho nhân viên mất việc, nhà cung cấp và khách hàng bị ảnh hưởng nguồn thu, tôi trăn trở và bắt tay vực dậy công ty”, Các Thủy kể lại.

Vậy là Các Thủy tìm cách duy trì doanh nghiệp tồn tại trong mùa dịch. Nếu hàng trong nước không bán được thì  xuất khẩu. Để sản phẩm được tiêu thụ, chị tận dụng các mối quan hệ với bạn hàng để cùng hợp tác. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến năm 2021, dịch Covid-19 gây khó khăn nhưng công ty chị vẫn hoạt động, sản xuất.

Chị Nguyễn Ngọc Hương - giám đốc TNHH XNK Thiên Nhiên Việt, chủ nhân thương hiệu bột rau má uống liền Quảng Thanh ở huyện Củ Chi đem tới câu chuyện cảm động về cách doanh nghiệp và người lao động cùng đồng hành qua đại dịch. Theo đó, chị phải cắt giảm lao động để giảm chi phí, tiêu hủy nguyên liệu tươi vì bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ nông trại đển công ty sản xuất, nhiều lao động tạm xa gia đình để sản xuất 3 tại chỗ, có nhân viên bị nhiễm bệnh gây hoang mang cho mọi người và áp lực lên sản xuất.

Để vượt qua khó khăn, đó là sự đồng lòng của tập thể công ty, sự sáng tạo trong kinh doanh.

100% nhân sự khối văn phòng làm việc online, chỉ giữ lại vài vị trí nhân viên chủ chốt để vận hành hệ thống sản xuất. Nhiều nhân viên tự nguyện giảm lương để đồng hành cùng công ty trong giai đoạn khó khăn. Chúng tôi đẩy mạnh bán hàng online và tập trung bán hàng ở khu vực TPHCM. Ngoài ra, công ty còn tổ chức bán hàng nông sản giúp cho người nông dân”, chị Hương kể tiếp.

Những câu chuyện, kinh nghiệm do các doanh nghiệp chia sẻ tại vòng thi bán kết của cuộc thi Dự án khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 giúp ích nhiều cho các dự án khác và cả cộng đồng doanh nghiệp trong hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.

Giám khảo Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tâm sự, dịch Covid-19 đã làm cho cuộc sống của chúng ta thay đổi quá nhiều.

Qua những câu chuyện, tôi thấy rằng các bạn ngày càng trưởng thành. Nói chung, cuộc thi năm nay, trình độ của các bạn có tiến bộ hơn. Điều này do một phần là cả xã hội đang tập trung hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, thêm một lý do khác là chúng ta đã kiên trì tổ chức hàng loạt những buổi tập huấn trong thời gian qua thông qua các lớp online", bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

Sau khi kết thúc vòng thi bán kết Dự án khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 – 2021, diễn ra từ ngày 22-15/11, Ban tổ chức đã chọn ra 9 dự án bảng A (Dự án khởi nghiệp nông nghiệp) và 13 dự án bảng B (Câu chuyện khởi nghiệp - Kinh doanh thời Covid) vào vòng chung kết.