Startup Wheel 2020: Các dự án đạt giải cao có tính nhân văn, đem lại giá trị lớn cho cộng đồng

(VOH) – Cuộc thi Startup Wheel do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phối hợp với Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM tổ chức đã vào vòng chung kết hôm qua 13/11.

60 trong số 150 dự án khởi nghiệp sáng tạo bước vào vòng bán kết, sau đó là chung kết. Năm nay, các dự án dự thi dành cho 4 nhóm đối tượng: Cá nhân hoặc nhóm Khởi nghiệp; Doanh nghiệp Khởi nghiệp; Nhà nghiên cứu khoa học; Du học sinh và cựu du học sinh. Các dự án đạt giải cao ngoài yếu tố về kinh tế, ban giám khảo đánh giá cao thông qua giá trị cộng đồng và tính nhân văn mà dự án đem lại.

thí sinh dự thi
Thí sinh tham dự thuyết trình về dự án tại vòng bán kết ngày 13/11 tại TPHCM

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa. Mỗi năm có 1,8 tấn rác thải nhựa được thải ra nhưng chỉ có 0,15 tấn được tái chế. Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải tăng đến 200% mỗi năm. Để giải quyết vấn đề này, dự án Pando - Vật liệu xây dựng làm từ rác thải nhựa của CEO Phạm Mạnh Đình mang tới một loại vật liệu ứng dụng cho sản xuất ngành mái ngói, phục vụ cho ngành xây dựng kỹ thuật.

Về sản phẩm, gạch ngói Pando so với gạch ngói truyền thống nhẹ hơn một nửa, không thấm nước, chịu lực uốn gấp 4 lần, chịu mài mòn hơn 14 lần, ngoài ra tránh được áp lực đối với những ngôi nhà có độ dốc thấp, giảm vật liệu mái, ngói, khung sườn, bền màu với lớp sơn sinh thái lên đến 30 năm, chống gây mốc và chống cháy. Pando tập trung vào thị trường, cung cấp các sản phẩm cho các homestay, đáp ứng nhu cầu xanh; Cung cấp sản phẩm gạch ngói cho khu vực miền Bắc và miền Trung, giải quyết vấn đề mưa đá và nắng nóng; Cung cấp sản phẩm để phục vụ cho việc chống hạn mặn ở ĐBSCL. “Trên thị trường hiện nay có 70% là ngói màu xi măng, 20% sản phẩm tôn nhựa và 10% là đất sét nung. Pando đã định hình lại chính mình, sản phẩm đối thủ cạnh tranh không phải là gạch ngói mà chính là công nghệ sản xuất. Sau khi ổn định thị trường, Pando hướng tới nhượng quyền thương hiệu. Nhờ có nhượng quyền thương hiệu, Pando mở rộng quy trình và quy mô sản xuất, giúp Pando đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất”, CEO Phạm Mạnh Đình cho hay.

Ngành Thuỷ sản của Việt Nam chất lượng cao, nhưng không có dữ liệu gì để chứng minh với thế giới, mùa màng phụ thuộc vào thời tiết, không nguồn kiến thức chính thống, nông dân không có người tham vấn về sự cố khi canh tác. Trong khi làm thuỷ sản thì phải hiểu về môi trường, nguồn nước, sinh lý động vật, bệnh học,… Do đó, dự án Tép Bạc - Giải pháp Công nghệ cho ngành Thuỷ Sản ra đời năm 2012, trở thành trang tin về thuỷ sản đầu tiên cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm trong ngành thuỷ sản giúp người nuôi trang bị kiến thức, kinh nghiệm giảm bớt rủi ro trong canh tác quản canh cổ điển.

Thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Startup Wheel 2020
Thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Startup Wheel 2020

Chị Trần Thị Thuý Loan - Giám đốc marketing Công Ty TNHH Tép Bạc chia sẻ, phần mềm tép bạc này giúp người nuôi trồng thuỷ sản ghi nhật ký nuôi, tính toán chí phí, cảnh báo diễn biến bất thường của môi trường và kết nối cùng chuyên gia thông qua ứng dụng ra đời. Không những vậy, công nghệ phân loại sản phẩm thông qua qui trình nuôi và cho mã số truy xuất nguồn gốc cho từng vụ tôm/cá thành phẩm. Năm 2018, dự án này đã phát triển thiết bị quan trắc môi trường nước tự động tích hợp cùng phần mềm, giải quyết các rủi ro về thay đổi môi trường và tiết kiệm nhiên liệu. Tiếp theo đó, Tép Bạc - Farmext bắt đầu xây dựng trợ lý ảo AI cho ngành nuôi trồng thuỷ sản, đến nay, phần mềm Farmext có hơn 1.700 người dùng ứng dụng quản lý trang trại góp phần cho một ngành thuỷ sản tương lai hiện đại, hiệu quả và minh bạch. “Tháng 10/2020, Farmext có 3.000 người dùng tự nhiên, tỉ lệ quay lại 10%, điều này chứng tỏ người dân của mình họ đã sẵn sàng cho sự thay đổi. Bên cạnh đó, Tép bạc phục vụ cho 1 triệu người dùng làm việc trong ngành thủy sản, có khoảng 1,5 tỷ đối với phần cứng và 24 triệu đối với phần mềm và dung lượng trên thế giới là 15 tỷ. Để kết nối được thị trường này, từng giai đoạn phát triển đều có kế hoạch, đi từ một tài trợ cho user cho đến sàn giao dịch thương mại”. Chị Loan nói.

Kết quả vòng chung kết diễn ra chiều cùng ngày, dự án đường thốt nốt Palmania đạt giải 3 với giá trị giải thưởng 15 triệu đồng. Giải Nhì trị giá 200 triệu đồng thuộc về dự án Voiz FM; Giải Nhất 400 triệu đồng thuộc về dự án Umbalena - Ứng dụng đọc sách hàng đầu cho trẻ em Việt Nam. Theo đó, ứng dụng Umbalena mang đến một kho nội dung học tập và giải trí đa dạng, lành mạnh bằng Tiếng Việt dành cho trẻ em, giúp trẻ hình thành thói quen đọc hiểu, phát triển tư duy, mở mang kiến thức và bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc.

Công nghệ này cũng giúp giảm mạnh chi phí cho việc tiếp cận nội dung học tập và giải trí của trẻ em ở khắp mọi nơi. Kho nội dung được xây dựng bởi các chuyên gia về giáo dục và ngôn ngữ hàng đầu Việt Nam, có nội dung phong phú về đề tài, thể loại, kiến thức đời sống xã hội, kiến thức khoa học, hình ảnh đẹp, có tính nghệ thuật, được phân loại theo mức độ từ dễ đến khó, thuận lợi cho trẻ tiếp thu theo hệ thống và sự trưởng thành của trẻ… Chia sẻ và động viên các thí sinh tham dự cuộc thi năm nay, Tiến sĩ Nguyễn  Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan, thành viên Ban Giám khảo, người khởi nghiệp lại ở tuổi 60 đưa ra lời khuyên: “Năm nay, dự án nào không được vào Top 10 và nếu được vô Top 10 mà không được giải 1, 2, 3 thì cũng đừng buồn. Trong cuộc đời của chú đi khởi nghiệp làm ăn, một điều giúp mình thành công là không bao giờ bỏ cuộc. Người thành công không bao giờ bỏ cuộc và người bỏ cuộc thì không bao giờ thành công”.

Startup Wheel 2020 là cuộc thi khởi nghiệp chuyên sâu thường niên và lớn nhất tại Việt Nam. Sau 7 mùa tổ chức, Startup Wheel đã thu hút hơn 1.900 dự án đến từ 20 quốc gia cùng tham gia với 5.000 doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp, công ty khởi nghiệp công nghệ. Cuộc thi thu hút sự chú ý của hơn 80 phương tiện truyền thông Việt Nam và Quốc tế. Tổng số vốn đầu tư cho các startup được công bố lên tới hơn 20 triệu đô la Mỹ.

Bình luận