Tái cấu trúc thể chế, chuỗi cung ứng khu vực để Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới

(VOH) - Gần 300 doanh nghiệp tại TPHCM dự hội thảo chuyên đề "Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng lo của doanh nghiệp Việt?" vào sáng 6/9.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích cơ hội và rủi ro tác động đến các ngành hàng của Việt Nam, và Việt Nam cần tái cấu trúc thể chế, chuỗi cung ứng khu vực để đón làn sóng đầu tư mới.

Tái cấu trúc thể chế, chuỗi cung ứng khu vực để Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới

Chuyên gia phân tích tình hình kinh tế trong nước và thế giới.

Xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây và chưa cho thấy các dấu hiệu nhượng bộ của các bên. Trong tương lai gần, Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, dự đoán, nếu chiến tranh thương mại leo thang, phạm vi thuế quan mở rộng ra toàn bộ kim ngạch song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì tác động lớn tới kinh tế Việt Nam nhưng theo hướng có lợi. 

“Chúng ta có thể thay thế hàng Trung Quốc ở các nước khác, đó là cơ hội chúng ta có thể tận dụng. Cơ hội thứ hai, những dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, có thể chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh đánh thuế, và Việt Nam là một điểm đến. Hiện nay Đông Nam Á có 2 điểm đến tương đối hấp dẫn là Indonesia và Việt Nam nếu chúng ta làm tốt hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư”, ông Tuyển phân tích.

Tuy vậy, ông Trương Đình Tuyển bày tỏ lo ngại về đồng Nhân dân tệ giảm giá sẽ làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc. Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, gây sức ép lên tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ. Nếu Việt Nam xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định vĩ mô.

Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ, kể cả lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản, không bảo đảm tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ. Đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam như vụ thép và nhôm…

Về phía Mỹ, theo ông Trương Đình Tuyển, thời điểm này Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng Mỹ cũng đã cảnh báo Việt Nam thể hiện trong một số điều khoản của Luật An toàn thông tin mà Quốc hội đã thông qua.

Tái cấu trúc thể chế, chuỗi cung ứng khu vực để Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới

Các chuyên gia thảo luận, đánh giá tác động của thương chiến đến kinh tế Việt Nam.

Về tác động đến thị trường tài chính, ông Mathew Smith, Giám đốc Nghiên cứu, phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có liên quan đến cả kinh tế và địa chính trị và khó có giải pháp nhanh chóng hay đơn giản cho vấn đề này. Như vậy, đây có khả năng là một yếu tố dài hạn mà tất cả nhà đầu tư phải xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư.

Cuộc chiến thương mại đã tác động đến sự biến động mạnh ở các thị trường chứng khoán Mỹ, đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ trở nên bằng phẳng và giá kim loại quý tăng lên, tất cả đều cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm những kênh trú ẩn an toàn. Điều này cũng được phản ánh bởi sự tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi trọng yếu. 

“Một điều hấp dẫn là chúng ta có một ETF mới được niêm yết trên sàn, mang đến cách tiếp cận tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với các loại cổ phiếu vốn dĩ đã chiếm ưu thế hơn. Chắc chắn là thương chiến thương mại sẽ tác động rất lớn đến thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam và bất kể những tác động đó, vẫn có kỳ vọng tích cực vào quý 4 của thị trường Việt Nam”, ông Smith nhận định.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thương chiến diễn ra sẽ là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống về mặt pháp lý. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để hoàn thiện việc quản lý, cung cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, qua đó tranh thủ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cho doanh nghiệp bản địa. 

“Vấn đề thay thế của Việt Nam không phải là lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm liên quan đến thực phẩm chế biến là một lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam. Nhóm hoá chất và nhựa cũng không phải là nhóm chúng ta có tiêu chí. Gỗ, giấy và các sản phẩm liên quan, năm ngoái xuất khẩu sang Mỹ khoảng 4 tỷ đô la hàng gỗ. Trong đó, doanh nghiệp trong nước xuất khẩu chiếm 43%, còn lại doanh nghiệp FDI, còn gỗ không thì chủ yếu là doanh nghiệp nội địa xuất khẩu”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Phạm Sỹ Thành, Việt Nam cần nâng cao việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực là một cơ hội vàng để Việt Nam chào đón các chuỗi cung ứng phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của mình.

Bình luận