Sáng 6/9, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2019 với chủ đề “Dịch chuyển Chuỗi cung ứng toàn cầu - Cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương”, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu, bao gồm các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, địa phương, các nhà nhập khẩu, đầu tư, phân phối, logistic của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Việt Nam phải đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để đón dòng dịch chuyển đầu tư nước ngoài. Ảnh: VTC News
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu, những căng thẳng diễn ra trong hệ thống thương mại toàn cầu trong thời gian gần đây đã đặt các quốc gia đứng trước nhiều thách thức và lựa chọn chính sách khó khăn, nhưng đồng thời cũng xuất hiện những cơ hội thuận lợi.
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, thương chiến Mỹ - Trung tạo ra những lỗ hổng thương mại, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tuy nhiên đây chỉ là cơ hội ngắn hạn và doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh đó do tác động cuộc chiến, hiện nay đang có dòng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có nhiều doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc đang và sẽ dịch chuyển sang Việt Nam.
Tuy nhiên, để đón dòng dịch chuyển này, Việt Nam phải tập trung đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ liên quan đến chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Mỹ. Điều đáng lo của dòng dịch chuyển này là sự dịch chuyển của doanh nghiệp Trung Quốc với một số trường hợp chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang có những biện pháp để ngăn chặn và xử lý tình trạng này, trong đó đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở các nước nhập khẩu điều tra, thẩm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm. Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công thương cho hay Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành liên quan theo dõi sát tình hình xuất, nhập khẩu và để phát hiện những hoạt động có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời cảnh báo cho bộ, ngành chức năng để siết chặt việc cấp nhận chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đồng thời là kiểm tra kỹ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mà có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phối hợp với các cơ quan của các nước đối tác trong việc thẩm tra, điều tra doanh nghiệp mà có dấu hiệu vi phạm.
Với kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bà Phi Thị Ngọc Anh – Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Nông nghiệp Thịnh Vượng Việt Nam (Chủ tịch của The Green Way) cho biết, khó khăn nhất khi gặp và đàm phán với các đối tác quốc tế trong đó có Mỹ, chính là tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, không chỉ là tiêu chuẩn của các nhà máy mà còn bắt buộc tiêu chuẩn về các vùng trồng: "Thị trường của Mỹ, việc đầu tiên nhất là phải có tiêu chuẩn FDA thì họ mới cho vào. Thứ hai, những xu hướng tiêu dùng khác nhau, ví dụ vẫn có xu hướng tiêu dùng những sản phẩm vô cơ vẫn còn, và có những sản phẩm tiêu dùng cao cấp, có nguồn gốc hữu cơ organic thì đang là xu hướng, nhưng tỷ lệ, tỷ trọng chưa có nhiều".
Theo Bộ Công Thương, hiện nay kim ngạch thương mại giữa hai nước liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa hai nước năm 2018 đạt gần 59 tỷ đô la Mỹ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này đã đạt hơn 35 tỷ đô la Mỹ. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 trong năm 2018 lên vị trí thứ 9 ngay trong đầu năm 2019 khi nói đến các nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ.