Tận dụng ưu đãi và thực thi FTA Việt Nam – Hàn Quốc

(VOH) - Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại Việt Nam. Trong 10 năm qua, Hàn Quốc là đối tác quan trọng về đầu tư ở nước ta.

“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đi vào hiệu lực từ cuối năm 2015, gần 3 năm đi vào thực tế nhưng doanh nghiệp hai nước chưa thật sự phát huy hết lợi thế từ hiệp định mang lại. Làm sao để giúp doanh nghiệp 2 nước khai thác hiệu quả những thuận lợi từ hiệp định, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh kế?".

Đây là câu hỏi được các chuyên gia, doanh nghiệp hai nước bàn luận, tại Hội thảo về Tận dụng Ưu đãi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc, diễn ra vào chiều ngày 10/5, do Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức.

Tận dụng ưu đãi và thực thi FTA Việt Nam – Hàn Quốc

Ông Lê Hải An - Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công thương phát biểu.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, để tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm đến quy định xuất xứ của sản phẩm, tiêu chí xuất xứ của Hàn Quốc; thuế ưu đãi nhập khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực của mình cũng như nắm bắt thật chặt các thông tin để vận dụng hiệu quả các ưu thế từ Hiệp định.

Hai quốc gia cần có hệ thống thông tin điện tử về các mặt hàng xuất khẩu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận kịp thời cũng như đáp ứng đầy đủ yêu cầu khi xuất khẩu.

Theo ông Lê Hải An, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đang cùng với Bộ Công Thương Hàn Quốc và Cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc nghiên cứu chung để đánh giá về việc tận dụng Hiệp định thương mại tự do, đưa ra một cơ chế, khung khổ hợp tác nhiều thông tin hơn nữa cũng như cơ hội về thương mại đầu tư hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước, cơ hội thị trường cũng như tiếp cận thông tin.

Ông Lê Hải An chia sẻ: "Hiện nay, Bộ Công Thương đã giao cho chúng tôi làm đầu mối, phối hợp với Bộ Công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc đề ra các chính sách cụ thể đối với từng ngành hàng, từng mặt hàng nào cần thêm thông tin, cần xúc tiến đầu tư để tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp".

Trong khi đó Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc đã có chuẩn bị và cụ thể hoá cơ hội hết sức bài bản, để tận dụng và phát huy được những ưu đãi có được từ Hiệp định thương mại tự do này.

Qua buổi hội thảo, Bộ Công Thương cũng có thêm thông tin, có cái nhìn toàn diện hơn nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những khung khổ pháp lý và cơ chế cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong tận dụng ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới.

Hiện tại, Hàn Quốc đối tác thương mại lớn thứ 3 tại Việt Nam, trong 10 năm qua Hàn Quốc là đối tác quan trọng về đầu tư ở nước ta. Năm 2017, thương mại song phương 62 tỷ đô la Mỹ.

Hai quốc gia đang đặt mục tiêu đạt 100 tỷ đô la 2020 theo hướng cân bằng giữa hai bên.

Ngày 5/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Hiệp định VKFTA có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. Việt Nam hiện là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc, trong khi, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 58 tỷ USD.

Hiệp định VKFTA đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực.

Với lộ trình giảm thuế theo cam kết của KVFTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, một số ngành như ngành năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo tại Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và khả năng Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư FDI trong nhiều năm tới.