Cùng với đó, doanh nghiệp rất cần một môi trường pháp lý, an toàn, minh bạch. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo kinh tế Việt Nam 2018 chủ đề “Cơ hội đột phá, tăng trưởng kinh doanh” do Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 20/3 tại TPHCM.
Toàn cảnh hội thảo kinh tế Việt Nam 2018
Năm 2017 kinh tế Việt Nam khép lại với những con số thống kê ấn tượng, đã hoàn thành 13/13 chỉ tiêu kế hoạch giao, đặc biệt, GDP tăng trưởng 6,81%, cao hơn mục tiêu đề ra trong năm 2017 và cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc.
PGS.TS Vũ Đình Hòe – Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, năm 2017 là năm của những con số FDI, vốn đầu tư nước ngoài đạt 36 tỷ đô la Mỹ, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Kỷ lục số doanh nghiệp thành lập mới gần 130.000 doanh nghiệp. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chạm ngưỡng trên 400 tỷ đô la Mỹ.
Khu vực FDI và kinh tế tư nhân đã được xác định là một trong những động lực quan trọng, là yếu tố đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Ngô Văn Tuấn – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu.
Theo ông Ngô Văn Tuấn – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, dự kiến năm nay, tăng trưởng GDP Việt Nam trên 7%, tăng trưởng lĩnh vực du lịch tới 1,6 lần, tăng trưởng thương mại tới 4,5%, đặc biệt, xuất siêu khoảng 2 tỷ đô la Mỹ.
“Chúng ta đã và đang đạt được những dấu ấn khá quan trọng, điều đó là nhờ sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và kinh doanh cả nước. Sự định hướng chiến lược của Đảng với các nghị quyết Trung ương 4, 5 nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả kinh tế doanh nghiệp nhà nước, ông Ngô Văn Tuấn nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2018, 2019 sẽ cao hơn với mức 3,9% gần với mức tăng trưởng bình quân trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, 2009.
“Sự khởi sắc kinh tế toàn cầu chủ yếu nhờ vào chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích đầu tư ở nhiều nước, đặc biệt là nền kinh tế lớn của khu vực EU và Trung Quốc. Dự báo 2018 sẽ đạt 6,56%, trong bối cảnh đó, VN có những đối sách kinh tế phù hợp…”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Các chuyên gia nhận định, lạm phát năm 2018 của Việt Nam sẽ cao hơn 2017 nhưng nằm trong mức kiểm soát tốt. Giá dầu thế giới bình quân trên dưới 60 đô la Mỹ. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng là sự tác động công nghệ, chiến lược, năng lực của Mỹ thay đổi so với trước đây…